
Công tác kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm được Hà Nội rất chú ý. Ảnh: Tư liệu.
2023 là năm tiền đề quan trọng triển khai các giải pháp hoàn thành mục tiêu “Chương trình phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 – 2025”.
Sở NN-PTNT Hà Nội đã ký kết chương trình phối hợp chi tiết về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, giao thương với 43 Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành, tăng 22 tỉnh, thành so với giai đoạn 2015-2020. Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đánh giá Hà Nội là một trong hai thành phố tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nông lâm thủy sản nên việc phối hợp các địa phương để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng là rất quan trọng. Nội dung phối hợp được triển khai tập trung vào 3 nội dung lớn:
Sở NN-PTNT TP Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hoàn thành vượt chỉ tiêu. Trong đó nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường. Một số địa phương phát triển được nhiều chuỗi đưa về Hà Nội tiêu thụ: Sơn La có 83 chuỗi, Hòa Bình có 65 chuỗi (tăng 06 chuỗi); Lào Cai có 62 chuỗi (tăng 9 chuỗi), Hưng Yên có 41 chuỗi, Hà Nam 27 chuỗi, Đồng Tháp có 28 chuỗi, Lâm Đồng có 15 chuỗi, Tiền Giang có 20 chuỗi…
Bên cạnh đó, Hà Nội có trên 250 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội và tại các tỉnh, thu mua nguyên liệu các tỉnh, thành phố để đóng gói, xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Hà Nội đạt gần 1.7 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 975 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022.
100% các chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành phố, của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong đó 40% số chuỗi cung ứng sản phẩm cho thành phố Hà Nội có ít nhất 1 công đoạn được chứng nhận sản xuất theo một trong các tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO 22000, hữu cơ. Về công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên địa bàn Hà Nội, trong năm 2023, các đơn vị của Sở NN-PTNT Hà Nội đã thực hiện lấy trên 2.000 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó 98% mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố đảm bảo ATTP; tổ chức thanh tra, kiểm tra trên 650 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, kết quả có 60 cơ sở vi phạm, xử phạt với số tiền là 185 triệu đồng.
Sở NN-PTNT Hà Nội đã tiếp tục phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn). Hệ thống duy trì quản lý cho 3.430 cơ sở với 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc, trong đó, liên kết với sản phẩm của 48 tỉnh, thành phố với trên 2.000 sản phẩm của 457 cơ sở.

Nhiều sản phẩm của các tỉnh được tiêu thụ số lượng lớn ở Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ngoài ra, các tỉnh và Hà Nội còn triển khai hiệu quả công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và phát triển chăn nuôi, thuỷ sản, trồng trọt, bảo vệ thực vật.
Về truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trong năm 2023, Sở NN-PTNT và các sở, ngành thành phố Hà Nội đã phối tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất – tiêu thụ nông lâm thủy sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố; thường xuyên tổ chức các hội chợ, festival, tuần lễ, hội nghị kết nối, trưng bày giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh quảng bá, kết nối sản phẩm nông lâm thủy sản đến các hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Nhiều nông sản của các tỉnh thành đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô như rau, củ, quả Đà Lạt – Lâm Đồng, rau Mộc Châu – Sơn La, cá Sông Đà, cam Cao Phong, chuối Viba – Hòa Binh, cá thát lát của Hậu Giang, Bưởi Da xanh – Bến Tre; Gạo ST 25 – Sóc Trăng, xoài Cát Chu, xoài Hòa Lộc – Tiền Giang, nước mắm Phú Quốc – Kiên Giang.
Trong năm 2023 nhiều địa phương đã cung cấp về Hà Nội với số lượng lớn như tỉnh Hòa Bình cung ứng trên 1.600 tấn cá sông Đà, trên 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng trên 19.000 tấn rau, củ quả; tỉnh Hải Dương cung cấp trên 30.000 tấn thủy sản; tỉnh Nam Định cung cấp trên 35.000 tấn thủy sản; tỉnh Lâm Đồng cung cấp từ 7-10% sản lượng rau của tỉnh cho Hà Nội với trên 66.000 tấn; tỉnh Bình Thuận cung cấp trên 100.000 lít nước mắm; tỉnh Tiền Giang cung cấp khoảng 15% sản lượng trái cây của tỉnh cho thị trường Hà Nội với trên 200.000 tấn…

An toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Để việc phối hợp giữa Thủ đô và các tỉnh được bền vững, Hà Nội kiến nghị, đối với Bộ NN-PTNT cần xây dựng phần mềm hệ thống thông tin dùng chung của các đơn vị thuộc bộ, địa phương để kết nối, chia sẻ thông tin, cung cầu sản phẩm nông lâm thủy sản giữa các doanh nghiệp, HTX, cơ sở thu mua, chế biến, phân phối sản phẩm và các vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản trên toàn quốc. Chỉ đạo các cục chuyên ngành hướng dẫn xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm, thủy sản theo chuẩn quốc tế; tư vấn cho Hà Nội và các tỉnh, thành tham gia chương trình phối hợp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn và nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.
Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương rà soát những tồn tại, tham mưu bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật, các quy định mức giới hạn tối đa cho phép về vi sinh, hóa học có trong thực phẩm. Hiện nay, nhiều sản phẩm phối chế, hỗn hợp không có quy chuẩn, quy định về giới hạn vi sinh, hóa học, gây khó khăn cho cơ sở tự công bố chất lượng và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Đối với Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về triển khai kế hoạch, chương trình phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và công tác phối hợp phát triển chuỗi cung cấp nông lâm thủy sản an toàn cho thành phố Hà Nội; tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Chủ động phối hợp, thông tin hai chiều về những vấn đề nóng như tình hình dịch bệnh, các cơ sở an toàn dịch bệnh, đủ điều kiện vệ sinh thú y, các điều kiện riêng biệt về thú y của các tỉnh để thuận lợi trong công tác quản lý. Chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, sản phẩm đặc sản, sản phẩm an toàn chủ lực của từng địa phương với Hà Nội. Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm để cung cấp tới doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng để nhận biết, an tâm sử dụng.
Nguồn: nongnghiep.vn