Bán mía chục có nhiều cái lợi
Khoảng hơn 1 tháng nay, nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đã bước vào vụ thu hoạch mía, chủ yếu để bán mía chục ép nước giải khát do nhà máy đường tại địa phương đã đóng cửa.
Ông Tư Tho (Nguyễn Văn Tho, ở ấp Sậy Nếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp) có diện tích đất trồng mía 1,5ha, trước đây trồng mía theo hợp đồng bán cho Nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ – CASUCO), mấy năm nay đã chuyển sang bán mía chục cho thương lái.
Theo ông Tư Tho, trồng mía bán chục để ép nước giải khát có nhiều cái lợi hơn so với trồng mía nguyên liệu bán cho nhà máy đường công nghiệp.
Bán mía chục thời gian cho thu hoạch nhanh hơn, chỉ mất khoảng 8 – 9 tháng, trong khi bán mía cho nhà máy đường phải từ 10 – 11 tháng. Nông dân cũng có thể thu tỉa cây lớn bán trước nên thu được 2 – 3 đợt trong năm, năng suất gộp lại cao hơn. Bán mía chục giá thường cao hơn từ 400 – 500 đồng/kg so với bán cho nhà máy và không bị đánh giá (đo) chữ đường cao hay thấp.
Mặt khác, thương lái thu mua mía chục có người đến tự thu hoạch, nông dân không mất chi phí công nhân chặt mía, vận chuyển ra tới bờ sông để cân bán cho nhà máy.
Thời điểm thu hoạch bán mía chục thuận lợi nhất là từ tháng 9 dương lịch trở đi khi học sinh bắt đầu tựu trường, nhu cầu sử dụng nước mía tăng cao. Theo tính toán của nhà nông, mỗi ha trồng mía bán mía chục cho năng suất từ 90 – 100 tấn mía cây. Với giá bán trung bình khoảng 2.000 đồng/kg, nông dân thu về gần 200 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi thấp nhất cũng từ 70 – 80 triệu đồng/ha.
Tăng thu nhập nhờ lưu gốc, xen canh rau màu
Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp cho biết, toàn xã có hơn 450ha mía (trong tổng số hơn 1.600ha đất sản xuất nông nghiệp). Năm nay, giá vật tư đầu vào như mía hom, phân bón, nhân công lao động đều tăng nên chi phí trồng mía cũng tăng theo.
Nếu đầu tư trồng mới, mỗi ha nông dân tốn chi phí từ 100 – 110 triệu đồng, còn mía lưu gốc thì chi phí thấp hơn nhờ không tốn chi phí mua hom giống và công đào hộc, công trồng. Mía lưu gốc cũng có thời gian thu hoạch sớm hơn từ 1 – 2 tháng so với trồng mới, do đó mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà nông.
Bà Lê Thị Tuyết Trang, một thương lái chuyên mua mía chục ở huyện Phụng Hiệp cho biết, mía chục thường được bó 12 cây với trọng lượng từ 18 – 20kg/bó. Nếu bó mía cân thấp hơn 18kg thì phải thêm mía vào cho đủ hoặc đổi cây lớn hơn.
“Trung bình mỗi ngày tôi đi mua khoảng 1.000 bó mía, đầy ghe 20 tấn thì chạy về vựa để chuyển lên xe tải đi tiêu thụ khắp các tỉnh miền Tây và TP.HCM. Hiện nay mía chục đang tiêu thụ tốt, giá thu mua từ 1.800 – 2.200 đồng/kg tùy loại giống, cao hơn từ 2.00 – 3.00 đồng/kg so với năm rồi”, bà Trang cho biết.
Hiện xã Phụng Hiệp có 3 tổ hợp tác trồng mía, chuyên bán mía chục cho thương lái để làm mía ép nước giải khát. Ngoài áp dụng kỹ thuật lưu gốc, thu tỉa để giảm chi phí, tăng năng suất, nông dân ở đây còn kết hợp trồng thêm rẫy dây (bầu, mướp, dưa leo, khổ qua) ở đầu liếp mía, bờ mương, trồng xen canh rau màu khi mía còn nhỏ. Đây được xem là giải pháp giúp tăng thêm thu nhập cho người trồng mía. Hơn nữa khi bón phân, tưới nước cho rau màu, cây mía cũng thụ hưởng được một phần dinh dưỡng nên năng suất được cải thiện, thường cao hơn khoảng 5 – 7% so với những diện tích không áp dụng.
Niên vụ mía 2023 – 2024, nông dân huyện Phụng Hiệp xuống giống khoảng 3.000ha, tập trung ở các xã Phụng Hiệp, Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Hòa Mỹ và thị trấn Búng Tàu… Hiện nông dân đang bước vào vụ thu hoạch chính, năng suất trung bình đạt khoảng 100 tấn/ha. Với giá cao như hiện nay, nông dân bán mía chục thu lãi từ 70 – 80 triệu đồng/ha.
Nguồn: nongnghiep.vn