Cà Mau có rất nhiều mô hình nuôi tôm mang lại giá trị kinh tế cao như: nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh và siêu thâm canh. Bên cạnh những thuận lợi mà sản phẩm tôm Cà Mau đem lại, người nuôi tôm trong tỉnh đối diện với nhiều thách thức, ngoài biến đổi khi hậu thì dịch bệnh trên tôm nuôi cũng là mối đe dọa không nhỏ.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm nuôi tôm, trong đó có 10 năm nuôi tôm công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Vinh, huyện Ngọc Hiển nói: “Hơn một năm nay, tôi nuôi tôm không có lời, may lắm là huề vốn. Một mặt là giá tôm xuống thấp so với những năm trước dịch COVID-19, mặt khác, các mặt hàng phục vụ cho việc nuôi tôm như thuốc, thức ăn, trang thiết bị đều tăng giá, đẩy người nuôi tôm vào thế khó. Bởi nếu chẳng may trượt một vụ nuôi thì lâm cảnh nợ nần ngay. Mặt khác, quá trình nuôi tôm, phải đối diện với dịch bệnh nên phải lo đủ thứ”.
Nói về các bệnh phổ biến trên tôm, ông Vinh cho biết, bệnh trên tôm rất nhiều, giờ đủ thứ bệnh, nhưng người nuôi tôm công nghiệp thường gặp nhất chủ yếu là bệnh phân trắng, ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP). Đó là 2 bệnh phổ biến nhất hiện nay, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi thời tiết xấu và nguồn nước ẩn chứa dịch bệnh.
Với kinh nghiệm của mình, ông Vinh nhận định, khi nhiễm 2 bệnh này, 90% là lỗ nặng, 10% còn lại là huề vốn. Người nuôi tôm công nghiệp gần như không thu được lợi nhuận khi tôm nuôi nhiễm bệnh. “Không cứu được đâu, khéo huề vốn, còn không là lỗ vài trăm triệu mỗi ao nuôi. Không có một chuẩn mực nào để làm thước đo cho việc phòng ngừa đâu”, ông Vinh nói.
Còn anh Trần Văn Khải, người nuôi tôm công nghiệp ở huyện Ngọc Hiển chia sẻ, đầu năm đến nay anh điêu đứng vì dịch bệnh. Cứ thả giống là bị bệnh EHP, phân trắng, toàn lỗ và hòa vốn nên rất khó khăn.
“Thời tiết bây giờ thất thường, vùng này gần biển mưa nhiều nên tôm nuôi rất dễ bị nhiễm bệnh do giảm sức đề kháng. Bởi vi khuẩn gây bệnh giờ tiến hoá nhanh, nhà sản xuất ra loại thuốc mới, người nuôi sử dụng thời gian ngắn là nó kháng thuốc nên cố gắng chăm sóc tốt nhất có thể, chứ chẳng có cách ngăn ngừa nào là tuyệt đối. Không phải mình có kỹ thuật tốt, trang thiết bị tốt là nuôi đạt 100%, còn nhiều yếu tố khác như: môi trường, nguồn nước, thời tiết”. Anh Khải tâm sự.
Anh Đinh Hải Đăng, kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản tại tỉnh Cà Mau cho hay, nuôi tôm qảng canh rất ít bệnh, vì thông thường người nuôi chỉ thả giống và ít chăm sóc. Tôm nuôi với mật độ thưa nên ít xảy ra bệnh dịch nguy hiểm, chủ yếu là thiếu vitamin và khoáng. Còn với nuôi công nghiệp công nghệ cao hay gặp nhất là bệnh phân trắng, hoại tử gan, khuẩn đường ruột, nấm, hội chứng chết sớm, đốm đen và mới nhất là bệnh thủy tinh thể.
Để phòng ngừa dịch bệnh, anh Đăng khuyến cáo, người nuôi nên xử lý tốt môi trường nước, đáy ao, thả giống với mật độ vừa phải. “Vấn đề con giống rất quan trọng, để vụ nuôi có kết quả thuận lợi, người nuôi nên chọn những nơi cung cấp giống có uy tín, con giống phải khoẻ mạnh mới có sức đề kháng tốt. Đặc biệt, môi trường nuôi phải được xử lý tốt, sạch sẽ, người nuôi thường xuyên theo dõi tiến trình phát triển của tôm nuôi, để kịp thời phát hiện bệnh và xử lý ngay từ đầu, có như vậy thì mới đạt kết quả cao trong quá trình nuôi tôm”, anh Đăng nói.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, cán bộ Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Ngọc Hiển cho hay: Thời gian gần đây, tôm công nghiệp ở địa phương hay bị bệnh phân trắng và ký sinh trùng đường ruột EHP. Dấu hiệu nhận biết bệnh là phân tôm có màu trắng, dính vào đuôi tôm hoặc trôi lơ lửng trong nước. Nếu mắc phải bệnh này, chỉ kéo dài thời gian chứ không chữa trị khỏi bệnh được. Nó không chết hàng loạt mà lâu ngày con tôm sẽ bị teo cơ thể. Tôm mắc bệnh sống 3 – 4 tháng là bình thường, nhưng mỗi ngày sẽ bị hao hụt số lượng.
Theo anh Tuấn, dịch bệnh ảnh hưởng do yếu tố môi trường hình thành ký sinh trùng trong nước. Mặc dù người nuôi chủ động phòng ngừa nhưng hiệu quả không cao. “Nếu tôm mắc bệnh phân trắng, người nuôi sẽ bị thua lỗ nhưng ở mức thấp. Ngoài ra, với những tháng mưa có thể gây ra nhiều vấn đề cho môi trường nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của tôm”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Cà Mau, mưa lớn có thể làm giảm độ mặn của nước trong ao nuôi, khiến tôm bị sốc và dễ mắc bệnh. Nên người nuôi tôm phải thường xuyên kiểm tra độ mặn, độ pH, và các thông số quan trọng khác để điều chỉnh kịp thời. Sử dụng hệ thống quản lý nước hiện đại để nhanh chóng xả bớt nước mưa, hoặc bơm nước biển vào để duy trì độ mặn ổn định.
Bên cạnh đó, nước mưa có thể làm giảm nhiệt độ và thay đổi môi trường nước, ảnh hưởng đến sự thèm ăn và tốc độ phát triển của tôm. Cần điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh cho ăn quá nhiều gây dư thừa và ô nhiễm ao. Cần bổ sung thêm vitamin C và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm, giúp chúng chống lại sự thay đổi thời tiết.
“Môi trường thay đổi bất ngờ có thể làm tôm dễ mắc các bệnh do vi khuẩn và virus. Thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của tôm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh như sử dụng thuốc kháng khuẩn, xử lý nước bằng chế phẩm sinh học”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Cà Mau thông tin thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn