Do ảnh hưởng của mưa bão thời gian qua, một số phòng học tại điểm trường khu Leo, Trường Tiểu học Thành Lâm (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) bị xuống cấp trầm trọng. Theo quan sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, dãy nhà gồm 1 phòng học và phòng chờ giáo viên xuất hiện nhiều vết nứt lớn, chạy dọc các bức tường. Trần nhà thủng nhiều vị trí gây thấm dột. Phần móng và tường bao công trình bị đứt, gãy bê tông, không đảm bảo an toàn cho việc giảng dạy và học tập.
Được biết, Trường Tiểu học Thành Lâm có 3 điểm lẻ, trong đó, điểm trường lẻ khu Leo được xây dựng từ năm 2000, nay đang xuống cấp. Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, nhà trường đã tổ chức “sơ tán” 19 học sinh đến nhà văn hóa thôn để học tạm.
Thầy Hoàng Ngọc Thược, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Lâm cho biết việc, di chuyển học sinh, giáo viên đến nhà văn hóa thôn để thực hiện việc dạy học là tình thế “bất đắc dĩ”.
“Mặc dù trường xuống cấp nhưng kế hoạch giáo dục của nhà trường không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do điểm trường lẻ cách xa nên việc đi lại của giáo viên và học sinh sẽ vất vả hơn. Bên cạnh đó việc chỉ đạo chuyên môn cũng gặp khó khăn hơn so với việc tập trung dạy học tại một điểm trường.
Ngoài ra, phòng học tập tại nhà văn hóa thiếu trang thiết bị nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy và tiếp thu kiến thức của giáo viên, học sinh. Dù vậy, chúng tôi thường xuyên động viên, khích lệ giáo viên, học sinh nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học”, thầy Thược chia sẻ.
Từ thực tế trên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Lâm mong muốn, chính quyền địa phương và các ngành chức năng sớm có phương án khắc phục tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp để giáo viên và học sinh có điều kiện học tập tốt hơn trong thời gian tới.
Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước cho biết, ngoài điểm trường khu Leo, còn có 5 phòng học ở điểm trường khu Bầm (Trường Tiểu học Thành Lâm) cũng trong tình trạng xuống cấp.
“Huyện Bá Thước đã lập quy hoạch, lên phương án gộp 2 điểm trường để xây dựng một ngôi trường mới tại khu Leo. Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn nên dự án chưa thể thực hiện”, ông Nhiên nói.
Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tại một số huyện miền núi Thanh Hóa hiện có 11 điểm trường tiểu học và mầm non (Mường Lát, Quan Sơn…) thiếu thốn cơ sở vật chất gồm phòng học, bàn ghế, nhà vệ sinh, bếp ăn, tường rào. Nhiều phòng học, phòng chức năng xuống cấp. Nhiều học sinh phải học ghép, học nhờ do thiếu phòng học.
Do khó khăn về ngân sách, các địa phương nêu trên vẫn chưa bố trí đủ vốn để đầu tư cải tạo, xây dựng mới cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học, đặc biệt những ngôi trường xuống cấp, đang đe doạ tính mạng, sự an toàn của học sinh và giáo viên trong những giờ lên lớp.
Nguồn: nongnghiep.vn