Nuôi lợn không chỉ là nguồn thu duy nhất
Huyện Bình Lục (Hà Nam) được biết đến là địa phương có hoạt động chăn nuôi lợn sôi động bậc nhất các tỉnh phía Bắc. Thông thường những tháng cuối năm là thời gian nhộn nhịp nhất khi người người nhà nhà tích cực chuẩn bị nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán.
Trái ngược với việc vào đàn ồ ạt như trước đây, các hộ chăn nuôi đã chủ động nắm bắt thông tin thị trường, kiểm soát số lượng đầu con, chuyển đổi đối tượng nuôi để đảm bảo hạn chế rủi ro và đón lõng được thị trường tiêu thụ.
Anh Nguyễn Văn Tùng, thôn 2, xã An Nội chia sẻ, qua các đợt “bão giá”, dịch tả lợn Châu Phi càn quét, Covid-19, kinh tế suy thoái, thực hiện di dời chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định, xây dựng nông thôn mới… hoạt động chăn nuôi lợn của người dân trên địa bàn đã có sự chuyển mình mạnh mẽ.
Hầu hết các hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ đã chuyển nghề sang làm công nhân, dịch vụ… Số còn lại lại tiếp tục chăn nuôi là những hộ còn vốn tích cóp hoặc đại lý bán cám có những ưu đãi từ phía công ty. Tuy nhiên, thay vì nuôi lợn từ bé đến thương phẩm, các hộ đã chuyển sang nuôi lướt sóng (hàng xáo) lợn từ 1 tạ trở lên trong vòng 20-25 ngày sẽ xuất bán.
Năm nay, mặc dù hoạt động chăn nuôi chịu ảnh hưởng nhất định của bão lũ nhưng nguồn cung lợn không giảm, thậm chí có chiều hướng tăng do các hộ đã có kinh nghiệm trong việc hạn chế thất thoát đầu con và đọc tín hiệu thị trường để đưa ra quyết định vào đàn.
Bên cạnh đó, các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên với điều kiện tự nhiên thuận lợi, quy mô đàn không ngừng tăng lên. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh mẽ phát triển chăn nuôi lợn quy mô lớn, hiện đại tại các tỉnh phía Bắc; liên tục cung ứng lượng lớn thịt và các sản phẩm chế biến ra thị trường.
“Mặc dù hiện tại sức ăn của thị trường có phần chững lại, nhưng gia đình vẫn quyết định duy trì nuôi lướt 500 lợn/lứa để liên tục có nguồn cung. Với giá bán lợn hơi đang dao động từ 63.000 – 70.000 đồng/kg (tùy thời điểm), trừ đi các chi phí gia đình vẫn có lãi chút đỉnh.
Quan trọng hơn, càng về cuối năm nhu cầu tiêu dùng, làm giò, chả, xúc xích… phục vụ Tết tăng lên, việc tiêu thụ, giá bán chắc chắn sẽ thuận lợi. Gia đình duy trì đàn để luôn sẵn sàng có nguồn cung khi thời cơ đến” anh Tùng đánh giá.
Ông Lã Văn Viết, người cùng xã An Nội lại chọn cách hạn chế vào đàn lợn, xuất bán đàn vịt bơ, dồn lực chăm sóc 5 mẫu nuôi cá nước ngọt sẵn sàng cung ứng vào dịp cuối năm.
Ông Viết chia sẻ, từ khi bắt tay vào chăn nuôi lợn (năm 1998) tới nay, ông đã kinh qua đủ loại hình thức từ nuôi lợn nái, thương phẩm, nuôi lướt. Tuy nhiên, với cách nuôi theo kinh nghiệm, hạn chế nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, phòng chống dịch bệnh nên rủi ro rất cao, lâu dần còn gây tác động xấu tới sức khỏe và môi trường xung quanh.
Nhận thấy nếu có cố gắng đeo đuổi thì điệp khúc “năm được, năm mất” vẫn không thay đổi, thậm chí có nguy cơ trắng tay. Năm 2022, ông bắt đầu hạn chế vào đàn lợn, từng bước chuyển sang nuôi vịt và thầu ao nuôi cá. Hình thức nuôi mới này mặc dù lợi nhuận thu được không cao bằng lợn, nhưng sự ổn định, áp lực tài chính và rủi ro lại thấp hơn hẳn.
Ông Viết phân tích, nuôi lướt muốn có lãi phải từ 200 con trở lên. Tuy nhiên, với giá nhập vào 7 triệu đồng/con, người nuôi phải có số vốn khoảng 1,4 tỷ đồng (chưa nói chi phí mua cám, công chăm sóc, bảo vệ…) số tiền này với một hộ cá thể là một con số không hề nhỏ. Nếu thắng lợi sẽ có lãi to, còn không thì nguy cơ mất trắng, mang nợ rất cao. Trong khi chi phí đầu tư nuôi vịt, cá chỉ bằng 1/3, gia đình lại có thể tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ với giá thành thấp, hạn chế chi phí mua cám, dễ quay vòng vốn…
“Trước đây, những tháng cuối năm chỉ nghĩ làm sao vào được nhiều lợn càng tốt, nhưng qua nhiều phen lao đao nhận thấy nuôi lợn không phải là cách duy nhất để có nguồn thu. Từ khi chuyển đổi, mỗi năm gia đình xuất bán ra thị trường khoảng 1,5 vạn vịt và 10 tấn cá thương phẩm. Riêng dịp Tết năm nay dự kiến sẽ cung ứng 8 tấn cá trắm, chép ra thị trường. Nếu giá duy trì ở mức từ 53.000-54.000 đồng/kg (loại 3kg trở lên) như hiện tại thì chắc chắn sẽ có cái tết đủ đầy”, ông Viết tin tưởng.
Nguồn cung thịt và sản phẩm chế biến từ lợn không thiếu
Ông Phạm Anh Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam thông tin: Mặc dù hoạt động chăn nuôi lợn của người dân trên địa bàn tỉnh chịu tác động không nhỏ của đợt bão lũ vừa qua. Tuy nhiên, về cơ bản nguồn cung thịt và sản phẩm chế biến cho dịp Tết Nguyên đán năm 2024 của tỉnh vẫn được đảm bảo.
Minh chứng là tính đến hết tháng 9, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại (thịt trâu, bò, lợn, gia cầm) của tỉnh ước đạt gần 75.000 tấn (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, đàn lợn ước đạt 370.000 con (bằng 95,5% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 54.000 tấn (tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước). Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt gần 3.000 tỷ đồng (tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước).
Hiện toàn tỉnh có hơn 2.000 trang trại chăn nuôi (750 trang trại nuôi lợn, hơn 1.000 trang trại gia cầm, 260 trang trại bò sữa, bò thịt). Tỷ lệ đàn vật nuôi theo hình thức trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp đạt khoảng 60% đối với gia cầm, gần 70% đối với lợn và trên 90% đối với bò sữa.
Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn như: Công ty C.P. Việt Nam; Japfa; Emivest… phát triển liên kết chăn nuôi với các hộ dân (chủ yếu theo hình thức gia công) trên địa bàn tỉnh.
Trang trại chăn nuôi lợn giống ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Dabaco Việt Nam với quy mô 3.200 lợn nái, 60 lợn đực giống, hơn 1.200 lợn nái hậu bị; hàng năm sản xuất cung ứng cho thị trường khoảng 88.700 lợn con sau cai sữa.
Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm của Tập đoàn Masan với công suất giết mổ 500 – 1.000 lợn thịt, 10.000 – 15.000 con gà/ngày… Đây là những điều kiện thuận lợi để đảm bảo nguồn cung thịt và sản phẩm chăn nuôi luôn được đảm bảo, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo ông Tuấn, để đảm bảo tốt nhất nguồn cung từ nay tới Tết, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi hướng tăng quy mô trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Đồng thời, thực hiện tốt kế hoạch phòng chống dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc gia cầm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các ổ dịch lây lan trên diện rộng…
Nguồn: nongnghiep.vn