Xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình từng được coi là “thủ phủ” của cây trà Shan tuyết. Giống trà quý sống trên đỉnh núi mờ sương là niềm tự hào của bà con người Mông. Giờ đây rừng trà cổ thụ đang dần biến mất. Những cụ trà cao cả mấy mét, gốc to bằng hai người ôm đứng trước nguy cơ bị diệt vong.
Đỉnh Pà Cò là nơi sinh sống của cả mấy trăm hộ dân là người dân tộc Mông. Sau bao năm du canh, du cư, người Mông đã trọn nơi này để định cư. Nơi đây có núi non hùng vĩ, rừng già san sát kéo dài tới biên giới Việt Lào. Trong khu rừng quý báu khi đó có rất nhiều cây trà Shan tuyết có tuổi đời cả vài trăm năm. Ấy vậy mà trải qua bao mùa rẫy, cùng với sự biến mất của rừng nguyên sinh, cụ trà shan tuyết cũng dần bị tận diệt.
Núi trà, thung lũng trà cổ thụ tà sùa
Cùng với Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu, bà con người Mông sống ở xã Pà Cò đang lưu giữ được những cụ trà Shan tuyết cổ thụ. Đây được coi là kho báu của đại ngàn còn sót lại. Cách đây chưa lâu, trong chuyến lên công tác vùng cao, chúng tôi có may mắn được gặp cụ Sồng A Sía (111 tuổi) – người sống thọ nhất đỉnh Pà Cò. Cụ Sía tuổi cao, nhưng trí nhớ còn minh mẫn. Cụ được coi là pho sử sống ở đất Pà Cò.
Nhà cụ Sía ở giữa bản. Cụ đang ở với người con trai thứ. Ngôi nhà gỗ thấp, lợp mái tôn nằm chìm nghỉm trong sương mù. Mới đầu mùa mưa mà cái lạnh đã ùa về nơi miền sơn cước. Cụ Sía co ro trong chiếc áo bông. Khi hỏi về vùng đất đầy bi hùng này, cụ Sía nhớ chi tiết từng chuyện. Cụ kể, ngày xưa đất này toàn là rừng nguyên sinh. Cây cổ thụ dựng vách thành, cả ngày ánh mặt trời không xuyên được xuống đất. Bà con người Mông sống nhờ rừng. Nhà nhà xẻ gỗ làm nhà, lấy lá tranh làm mái lợp. Bao năm sống ở trong rừng, nên sự no đói của bà con gắn chặt với rừng. Bên những dãy cây nghiến, cây pơ mu, cây gù hương… to bằng gian nhà có những rừng trà cổ thụ xen lẫn.
Kể đến đây, cụ Sía đưa ánh mắt buồn thăm thẳm về phía dãy núi đá trước mặt. Màu xanh của rừng nguyên sinh đang dần biến mất. Bà con đã cơ bản biến rừng già thành những mảnh nương trọc lốc. Cụ Sía bảo, ngày trước nơi này có nhiều cây trà cổ thụ nên gọi là tẩu sùa – núi trà, tà sùa – lũng trà. Mỗi khi có dịp vào rừng, hương trà thơm thoang thoảng đưa như sua tan bao mệt mỏi trong người. Bà con người Mông khi đó cũng đã biết khai thác lá trà về uống và chữa bệnh. “Trà nhiều vô kể, cây nọ nối cây kia tạo thành rừng trà. Bà con có thể phá cây gỗ, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ chặt cây trà. Bởi lẽ thứ cây này người Mông cho là Giang ban xuống cho người dân có cơ hội thưởng thức”, cụ Sía bồi hồi nhớ lại.
Trong tâm trí của cụ Sía, rừng trà cổ thụ tựa như một người bạn đồng hành trong suốt tháng năm khó nhọc lập bản, dựng làng của bà con người Mông. Không chỉ bảo vệ cây trà, nhiều hộ dân còn đánh cây trà nhỏ về trồng ở quanh nhà. Tàn tích của xứ sở miệt rừng đó vẫn còn lưu lại dấu tích đến ngày nay. Gặp anh Phàng A Páo – người ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò hỏi về cây trà cổ thụ, anh tỏ ra rất hào hứng. Bao năm nay, anh mở homestay đón khách, nên anh rất chịu khó tìm hiểu về những cụ trà cổ thụ năm xưa. Vừa đến nhà, anh đã rót nước mời khách. Thứ nước trà xanh mà chỉ đỉnh Pà Cò có màu cánh gián. Theo làn hơi nước bay lên từ chén trà tỏa mùi hương thơm ngát. Nhấp ngụm trà shan tuyết trong ngày lạnh giá mới cảm nhận được hương vị tuyệt vời mà Giàng đã ban tặng cho bà con người Mông. Thứ nước suối nguồn pha với lá trà cổ thụ cho hương vị mà ít nơi có được. “Nó là nước trà cổ thụ tôi hái ngoài vườn đấy. Giờ đây, muốn kiếm trà Shan tuyết ngày một ít hơn”, A Páo buồn rầu nói.
Chưa kịp tan tuần trà, A Páo dẫn tôi ra thăm khu trà cổ thụ còn sót lại bên bìa ruộng. Trong hơi sương mù mịt bịt kín lối đi, A Páo vốn quen đường mới tìm được nơi các cụ trà ngự trị. Trong màn sương dày đặc, từng cụ trà hiện lên nom khẳng khiu và cô đơn giữa đất trời. Đến gần một cụ trà có thân to bằng hai người ôm, cành lá xum xuê đứng vững trãi giữa đất trời xứ Mường. “Đây là cụ trà to nhất còn sót lại ở đất Pà Cò. Mấy nhà nghiên cứu về cây đã định danh cụ trà này có cách đây nửa thế kỉ”, A Páo tự hào giới thiệu về cụ trà cổ thụ này.
Tiến gần cụ trà đại lâm mộc này mới thấy sót xa. Thân cụ bị mưa gió bào mòn, nhiều chỗ đã bị khoét một lỗ sâu. Từng cành lớn đã bắt đầu có dấu hiệu đuối sức. A Páo bảo, do bà con làm ruộng gốc của cụ bị ngâm trong nước nhiều ngày. Cụ không còn xanh tốt như trước đây. Lượng lá cũng ra ít hơn. Trước đây quanh khu vực này có cả trăm cụ trà cổ thụ, nhưng giờ chỉ còn lác đác vài cụ.
Ngày trước quanh khu ruộng của bản Chà Đáy có hàng nghìn cây trà cổ thụ. Trà sống bên vườn nhà dân rồi lan rộng ra chân núi tạo thành rừng trà. Vậy mà giờ đây, quanh khu ruộng này chỉ còn sót lại vài cụ trà. Nhiều cây lá đã héo, cành khô, gốc bị lung lay. Quá thương sót cho số phận của các cụ trà cổ thụ, A Páo đã nhiều lần đến các chủ hộ có chân ruộng này để mua lại, hòng cứu lấy các cụ trà đang chết dần, chết mòn. Tấm lòng thịnh tình của A Páo đã bị từ chối. Người Mông rất tít khi bán ruộng. Nhưng để họ giữ và chăm sóc những cụ trà cổ còn sót lại thì không phải việc của họ. Trải qua bao mùa rẫy trôi qua, số phận của các cụ trà cổ thụ đang dần biến mất.
Của chung còn một chút này
Nơi sinh sống của bà con người Mông ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò được quy hoạch là rừng đặc dụng. Thi thoảng trên đường đi vào nơi này vẫn có những tấm biển ghi rõ: Rừng đặc dụng. Và chính quyền tỉnh Hòa Bình đã cắt cả một Ban quản lý rừng đặc dụng Hang Kia – Pà Cò. Ngày trước rừng nơi này còn ngút ngàn, nhưng sau mỗi năm, diện tích nương rẫy của bà con cứ lấn dần lấn dần vào rừng. Đến giờ màu xanh của rừng cứ thưa dần. Thay vào đó là những nương đá trơ trọi giữa đất trời. Cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng, nhu cầu về đất sản xuất theo đó cũng tăng nhanh. Diện tích rừng đặc dụng cũng thu hẹp dần, theo đó, số phận của những cây trà cổ thụ cũng dần biến mất.
Đến Pà Cò giờ đây điều dễ cảm nhận nhất là khu rừng nguyên sinh năm nào chỉ còn lại trong lớp kí ức của người già. Kho báu trà shan tuyết cũng mất dần đi. Nương của bà con lấn đến đâu, cây rừng và cây trà cũng theo đó bị lụi tàn. Miếng cơm manh áo là điều quan trọng nhất, đặc biệt là vùng Pà Cò vốn có quá ít đất sản xuất. Rừng bị lấn cũng là điều không khó hiểu. Đến gặp ông Phàng A Sồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pà Cò hỏi về cây trà Shan tuyết, ông Sồng tỏ ra buồn thiu. Theo ông Sồng, ngày trước rừng trà cổ thụ là niềm tự hào của bà con người Mông. Trong rừng có nhiều cụ thân mốc thếch, rêu phong bám đầy. Năm nào bà con người Mông cũng vào rừng hái được nhiều lá trà cổ thụ về sao. Nhưng giờ đây, số lượng cây cổ thụ còn ít quá.
Ông Sồng cất công dẫn tôi đến bản Pa Háng để thăm lại những cây trà còn sót lại. Trên đường đi, ông Sồng tỏ ra tiếc nuối. Ngày trước khắp bản trên, bản dưới bóng trà cổ thụ vững chãi như những cái ô khổng lồ. Vậy mà giờ đây, nó chỉ còn lưa thưa vài cây trên nương. Do tập quán làm nương, nên vào mùa khô bà con hay đốt nương. Theo đó mà những cụ trà cổ thụ cũng vô tình bị chết oan. Sau mỗi năm số lượng cụ trà giảm dần. “Xã cũng biết việc gìn giữ những cụ trà Shan tuyết này là rất quan trọng. Mỗi cụ trà cổ thụ là chứng tích của rừng già còn sót lại. Trước đây, nhiều nhà còn đào cả gốc trà cổ thụ bán cho người dưới xuôi. Xã cũng đã ngăn chặn, nhưng lực lượng mỏng, hơn nữa trà mọc trên nương của họ. Nhiều lúc cấm không được. Việc tuyên truyền vận động bà con giữ cây trà gian nan như việc đeo đá trèo núi vậy”, ông Sồng chia sẻ.
Trước lúc rời vùng sơn cước, cơn mưa chiều nặng hạt lại đổ ầm ầm xuống rừng núi nơi đây. Cả một vùng núi non chìm ngập trong sương. Cái lạnh đầu mùa như càng thấm sâu vào da thịt. Mấy thập niên trước tôi từng có dịp đặt chân lên vùng đất này. Màu xanh của rừng, màu trắng tinh khôi của hoa trà như níu chân người khách lạ. Vậy mà giờ đây, điều đó đã trở thành kí ức. Cứu lấy vùng trà Shan tuyết vẫn chỉ là bài toán quá nan giải. Cây trà chưa thể nuôi nổi người dân, nên các cụ trà chưa được ưu tiên bảo vệ và bảo tồn. Nếu đà sụt giảm các cụ trà diễn ra nhanh chóng như thời gian vừa qua, sau này con cháu người Mông nơi đây muốn biết trà cổ thụ chắc phải lên các vùng núi cao của Lao Cai, Lai Châu mới có cơ hội được ngắm nhìn.
Bảo tồn, bảo vệ những cụ trà Shan tuyết đã từng được cấp chính quyền nơi đây triển khai. Thực tế là đã có doanh nghiệp nặng lòng với cây trà Shan tuyết đã đầu tư nhà máy để chế biến trà tại Pà Cò. Tuy nhiên, những nỗ lực của doanh nghiệp này là quá nhỏ bé. Rừng trà Shan tuyết cổ thụ từng được coi là “kho báu” của Hang Kia và Pà Cò, nhưng nay số lượng sụt giảm quá lớn. Ngay cả những cụ trà còn sót lại cũng đứng trước nguy cơ bị chết hoặc không được chăm sóc đến nơi đến chốn.
Nguồn: nongnghiep.vn