Hậu Giang không phải là địa phương được Bộ NN-PTNT lựa chọn triển khai mô hình thí điểm Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL (thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).
Tuy nhiên, trong năm 2024, địa phương đã chủ động lựa chọn vùng sản xuất, triển khai mô hình thí điểm đề án quy mô cấp tỉnh với tổng diện tích 180ha, tập trung tại TP Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành A, Long Mỹ và Phụng Hiệp.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực ban đầu, ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang chỉ ra một số khó khăn, trong đó có việc thay đổi thói quen canh tác truyền thống của bà con nông dân.
Bởi tập quán đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn làm giảm độ phì nhiêu của đất. Tại Hậu Giang, việc hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch từ lâu đã là thách thức lớn và vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao từ phía người nông dân.
Vào ngày 25/10, tại Hội thảo “Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao”, do Sở NN-PTNT Hậu Giang phố hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, Công ty Cổ phần Hữu cơ sinh học Phương Đông đã mang đến giải pháp xử lý rơm rạ hiệu quả bằng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Hữu cơ sinh học Phương Đông cùng ký kết hợp tác với Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong để cung cấp các giải pháp, công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ sản xuất trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ thực hiện các mô hình trình diễn, thử nghiệm xử lý rơm rạ và đối kháng nấm bệnh, vi khuẩn gây hại, tăng kháng thể của cây, giảm áp lực sâu, rầy trên cây lúa, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác, giảm phát thải, hướng đến sản xuất bền vững.
Bio Lacto EM được biết đến là chế phẩm vi sinh vật lợi khuẩn, được nhập khẩu nguyên liệu vi sinh gốc từ Nhật Bản. Sản phẩm chuyên dùng để xử lý gốc rạ và bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất và cây trồng.
Điểm nổi bật của chế phẩm Bio Lacto EM là tăng độ tơi xốp, thông thoáng, bổ sung hệ vi sinh vật có lợi và đối kháng tự nhiên, ngăn chặn nấm bệnh trong đất và cây trồng. Từ đó, những vùng đất bị thoái hóa bạc màu do sử dụng phân thuốc hóa học nhiều năm sẽ được cải tạo, cân bằng độ pH, giảm độ mặn, hạ phèn, từ đó tiết giảm số lần sử dụng phân bón hóa học.
Ngoài ra, chế phẩm này cũng phát huy hiệu quả diệt rong meo (tảo độc), kích thích cây trồng sinh trưởng, tăng năng suất và chất lượng. Đồng thời, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tạo ra trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.
Trước đó, sản phẩm đã được thử nghiệm và mang lại thành công trên nhiều vùng đất chuyên biệt ở ĐBSCL như vùng tôm – lúa (tỉnh Cà Mau), vùng đất phèn (tỉnh Long An), vùng đất 3 vụ ở tỉnh Hậu Giang, TP Cần Thơ.
Thời gian qua, để giúp người dân xử lý rơm rạ hiệu quả, hạn chế việc đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, Công ty Cổ phần hữu cơ sinh học Phương Đông đã hỗ trợ miễn phí chế phẩm vi sinh cho hơn 1000ha lúa ở ĐBSCL.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM đã và đang mang đến triển vọng tạo ra giải pháp bền vững, thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Nguồn: nongnghiep.vn