Vào ngày 12/12/2023, Hậu Giang là địa phương đầu tiên được Bộ NN-PTNT lựa chọn tổ chức lễ phát động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với ngành hàng lúa gạo tỉnh Hậu Giang và toàn vùng ĐBSCL. Đề án góp phần mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân trồng lúa, đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao giá trị chuỗi cung ứng lúa gạo theo hướng bền vững.
Đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành việc lựa chọn, xác định các vùng tham gia Đề án. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, Hậu Giang sẽ tập trung củng cố diện tích đã có khoảng 28.000ha của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT). Đến năm 2030, diện tích tham gia đề án đạt 46.000ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện.
Riêng trong năm 2024, tỉnh Hậu Giang tích cực kêu gọi sự đồng hành của doanh nghiệp, triển khai các mô hình điểm cấp tỉnh, huyện với tổng diện tích 180ha. Các mô hình chú trọng áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: tưới nước ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc kêu gọi doanh nghiệp cùng liên kết một cách chặt chẽ, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ vẫn còn hạn chế.
Từ khó khăn này, vào ngày 25/10, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Hội thảo “Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao” với mong muốn tăng cường liên kết của các bên tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Trong đó, địa phương mong muốn tìm ra các giải pháp canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp; khung đo đếm, báo cáo, chứng nhận giảm phát thải; đặc biệt là xác định được vai trò của các bên tham gia.
Để hỗ trợ quá trình này, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon đã triển khai mô hình canh tác lúa thông minh ướt – khô xen kẽ (AWD) tại Hậu Giang. Quy trình canh tác BNS được phối hợp thực hiện cùng Công ty Cổ phần Công nghệ Nano BSB, nhằm giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng. Toàn bộ chu trình sinh trưởng của cây lúa được giám sát và quản lý chặt chẽ bởi hệ thống vệ tinh Spiro Carbon.
Theo ông Trần Minh Tiến – Tổng Giám đốc Net Zero Carbon, với sự kết hợp của công nghệ đo lường, giám sát hiện đại, quy trình canh tác BNS không chỉ giúp nông dân tối ưu hóa năng suất, mà còn giảm thiểu phát thải khí nhà kính, mang lại lợi ích về kinh tế và môi trường.
Ông Tiến đánh giá, các mô hình sản xuất lúa gạo của Hậu Giang hiện nay được áp dụng theo những quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo chất lượng lúa đạt chuẩn xuất khẩu, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Net Zero Carbon kỳ vọng, đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả.
Dịp này, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon cùng 5 doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong (tổ chức đại diện cho các hợp tác xã thành viên trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo).
Theo đó, các doanh nghiệp cam kết cung cấp các vật tư đầu (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…); hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ canh tác lúa giảm phát thải, sản xuất theo hướng hữu cơ; ứng dụng các giải pháp canh tác hiệu quả để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm phát thải…
Nguồn: nongnghiep.vn