Giữa những ngày cuối tháng 10/2024, hàng loạt sinh viên thuê trọ trên khắp cả nước lại phải đau đầu với thông tin giá điện tiếp tục tăng. Đối với những người trẻ vốn đã phải thắt lưng buộc bụng để có thể chi trả các khoản sinh hoạt phí, việc tăng giá điện lần này không chỉ là một con số trên hoá đơn, mà còn là một nỗi lo ngấm ngầm len lỏi vào cuộc sống hằng ngày.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT, trong đó giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh lên 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Dù đây là động thái nhằm ổn định nền kinh tế trong tình hình lạm phát, nhưng đối với sinh viên, những người thường phải thuê trọ và sử dụng điện theo giá do chủ nhà đưa ra, gánh nặng tăng lên đáng kể.
Giá điện “nhảy múa”, sinh viên chật vật đối phó
Trịnh Duyên (sinh viên năm 4 của một trường đại học tại quận Thanh Xuân) đang thuê phòng trọ ở quận Hoàng Mai chia sẻ: “Giá phòng hiện nay là 3,2 triệu đồng, ở 3 người nhưng dịch vụ chung là 200 nghìn đồng/người, tiền điện là 3,8 nghìn đồng/kWh. Khi có thông báo tiền điện tăng, chủ trọ cũng đã nhắn tin báo trước với người thuê là có thể sẽ tăng tiền điện lên 4 nghìn đồng/kWh. Dù chỉ tăng lên 200 đồng, nhưng cộng dồn lại tất cả thì số tiền người thuê phải trả cho việc thuê trọ tương đối nhiều”.
Nỗi lo lắng không dừng lại ở con số tăng 200 đồng/kWh, mà việc tăng giá điện cũng kéo theo nhiều vấn đề khác. Các dịch vụ, sản phẩm thiết yếu như nước, đồ ăn, vật dụng sinh hoạt hàng ngày có thể bị đội giá theo, làm sinh viên vốn đã khó khăn càng phải thắt chặt hầu bao.
Bạn Khánh Ly, sinh viên năm 4 tại một trường đại học ở quận Cầu Giấy, cũng không giấu được sự bối rối khi nghe tin giá điện tăng. “Ở phòng trọ cũ, mình phải trả 4,2 nghìn đồng/kWh. Tính cả tiền phòng và điện, mỗi tháng chi phí của mình dao động từ 5 đến 6 triệu đồng. Đó là số tiền quá lớn đối với một sinh viên chưa có thu nhập như mình. Vì thế, mình đã chuyển đến một chỗ trọ mới ở quận Nam Từ Liêm, có giá điện rẻ hơn, khoảng 3,5 nghìn đồng/kWh. Tuy nhiên, với đợt tăng giá này, mình sẽ phải cân đối lại chi tiêu một lần nữa”.
Còn với Chi, sinh viên năm nhất tại một trường đại học ở quận Đống Đa, chia sẻ sự bất ngờ khi lần đầu đến thuê trọ ở Hà Nội. “Ở quê em, giá điện chỉ hơn 2 nghìn đồng/kWh. Lên đây, giá điện tại nhà trọ là 3,5 nghìn đồng/kWh, và mỗi tháng em sử dụng khoảng 200 đến 250 số điện. Tiền điện đã bằng gần nửa tiền phòng. Đối với sinh viên như em, đây là một gánh nặng rất lớn”.
Dù chỉ tăng nhẹ nhưng việc giá điện ở các khu trọ không tuân theo quy định khiến nhiều sinh viên như Chi phải đối mặt với những khoản chi bất hợp lý. Nhiều chủ trọ thậm chí còn viện cớ giá điện từ nhà nước tăng để tăng giá điện mà họ thu từ sinh viên lên mức cao hơn, làm cho tình hình càng trở nên phức tạp.
Mặc dù biết chủ trọ tự ý tăng giá điện và áp dụng mức giá không đúng quy định, nhiều sinh viên vẫn phải chấp nhận trong im lặng. Điều này không chỉ bởi họ thiếu thông tin về quyền lợi của mình, mà còn vì thực tế tìm kiếm một nhà trọ áp giá điện đúng quy định là vô cùng khó khăn. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, tình trạng chủ trọ thu giá điện cao hơn bình thường đã trở thành “chuyện thường ngày”. Sinh viên biết rằng dù có phản ánh, việc thay đổi hay tìm một nơi khác thuê với mức giá hợp lý là không hề đơn giản.
Chịu đựng sự bất công trong thu phí điện chỉ là một trong những thử thách mà sinh viên phải đối mặt trong quá trình học tập xa nhà. Với túi tiền eo hẹp, họ đã phải cắt giảm chi tiêu để thích nghi với giá cả ngày càng leo thang, giờ lại phải đối mặt với việc giá điện tăng bất hợp lý. Điều này càng đẩy sinh viên vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: thuê tiếp thì chịu thiệt, mà chuyển trọ thì khó có lựa chọn tốt hơn.
Bạn Vũ Khiêm, sinh viên năm 2 tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Em biết chủ trọ tính giá điện cao hơn quy định, nhưng gần như mọi nhà trọ em hỏi đều thu từ 3,5 nghìn đến 5 nghìn đồng/kWh. Tìm được nơi có giá điện đúng là rất khó, nên đành chấp nhận thôi. Chuyển trọ cũng không giải quyết được vấn đề”.
Rõ ràng, việc sinh viên chấp nhận giá điện “trên trời” tại các khu trọ không chỉ là vấn đề về quyền lợi pháp lý mà còn liên quan đến sự khan hiếm nguồn cung nhà trọ giá rẻ và hợp lý. Nhiều chủ trọ viện cớ giá điện từ EVN tăng để tăng thêm mức thu, nhưng thực chất, họ đang lợi dụng hoàn cảnh để trục lợi cá nhân.
Chế tài xử phạt có sức răn đe khi giá điện trọ vẫn cao chót vót?
Được biết, đối với đối tượng là sinh viên, người lao động thuê nhà mà chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì mức giá được áp là giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 (đơn giá 2.167 đồng/kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo được tại công tơ.
Tuy nhiên, nhiều chủ trọ đang thu giá điện quá mức quy định là 3,5 nghìn đồng – 5 nghìn đồng/kWh. Thực trạng chủ trọ tự ý tăng giá điện đã tồn tại trong thời gian dài, mỗi lần có chính sách tăng giá điện của cơ quan quản lý hay giá xăng tăng đều là cái cớ “chính đáng” để chủ trọ tăng giá điện. Điều này khiến cho cuộc sống của sinh viên và người lao động thuê trọ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chi phí sinh hoạt tăng cao, việc cân đối tài chính trở thành một bài toán khó.
Pháp luật cũng đã có chế tài phạt vi phạm đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định. Các trường hợp chủ nhà thu tiền điện người ở trọ giá cao hơn quy định sẽ bị xử phạt khi bị phát hiện. Theo mục 6 khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Để tự bảo vệ quyền lợi của mình, khách thuê trọ (đặc biệt đối với các bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm) nên đọc kĩ hợp đồng thuê nhà, thỏa thuận rõ ràng các mức chi phí với chủ nhà, điều kiện tăng phí cũng yêu cầu cụ thể nhằm đảm bảo tránh được tình trạng chủ nhà lợi dụng tình hình chung để tăng các loại phí quá mức quy định, trục lợi cá nhân.
Nguồn: nongnghiep.vn