Hiệu quả kinh tế và giảm phát thải
Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đã chia sẻ về kết quả 7 mô hình thí điểm được Bộ NN-PTNT triển khai tại 5 tỉnh, thành phố ĐBSCL gồm Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng qua 2 vụ đông xuân và hè thu 2024. Thực tế, hiệu quả kinh tế và giảm phát thải của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp bước đầu đã đạt được.
Trong mô hình, nông dân canh tác lúa theo quy trình của Cục Trồng trọt ban hành. Nhìn chung, năng suất lúa trong mô hình đạt trung bình 64,52 tạ/ha, cao hơn bên ngoài 4,63 tạ/ha. Về hiệu quả kinh tế, sản xuất theo Đề án 1 triệu ha tăng lợi nhuận ròng từ 1 – 6 triệu đồng/ha tại Cần Thơ và 13 – 18 triệu đồng/ha tại Sóc Trăng.
Đối với mục tiêu giảm phát thải, lúa áp dụng quy trình của Đề án 1 triệu ha phát thải CO2 là 3 tấn/ha/vụ, trong khi các ruộng nông dân cho ngập nước liên tục kết hợp đốt rơm lượng phát thải là 5 tấn/ha/vụ; ruộng ngập liên tục vùi rơm rạ là 15 tấn/ha/vụ; ruộng áp dụng tưới ngập – khô xen kẽ kết hợp vùi rơm phát thải 8 tấn/ha/vụ.
Ông Tùng cũng nêu các vấn đề tỉnh Hậu Giang cũng như 11 tỉnh, thành phố ĐBSCL tham gia Đề án 1 triệu ha cần chú trọng để đảm bảo thành công như thâm canh nhưng phải đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng, đồng thời giảm chi phí, tăng giá trị, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị, máy móc đồng bộ về cơ giới, hiệu quả, phù hợp…
Nhiều thách thức trong liên kết chuỗi
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang chia sẻ, diện tích lúa gieo trồng cả năm toàn tỉnh đạt trên 170.000ha, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Tỉnh đang tích cực triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại 6/8 huyện, phấn đấu đến năm 2030 đạt diện tích 46.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thời gian qua, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo gắn với bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng ký kết theo cánh đồng lớn. Hằng năm, diện tích liên kết tiêu thụ đạt trên 25.000ha. Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đang ngày càng được người dân quan tâm bởi hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại.
Tuy nhiên, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đang gặp một số khó khăn thách thức như diện tích canh tác nhỏ, manh mún, hệ thống thủy lợi và đường giao thông ở một số địa phương chưa hoàn thiện, liên kết sản xuất theo chuỗi chưa phát triển ổn định, tác động xấu của biến đổi khí hậu…
Hợp tác chặt chẽ để nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo
Theo TS Đặng Kiều Nhân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, để nâng cấp và phát triển chuỗi lúa gạo, cần thực hiện tốt nhiều khâu, đặc biệt là khâu canh tác và sự hợp tác chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các bên chưa thực sự ăn ý, dẫn đến việc không hiểu nhau về lợi ích và mục tiêu. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro cũng làm cho nông dân chịu áp lực lớn, trong khi doanh nghiệp và thương lái lại thu lợi từ sản phẩm của họ. Vì vậy, trong quá trình triển khai Đề án, nhà nước, đặc biệt là trung tâm khuyến nông các địa phương phải đóng vai trò điều phối để các bên hiểu nhau và hợp tác hiệu quả. Ngoài ra, để ba bên đạt được thỏa thuận chung, cần tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên và thông tin minh bạch giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.
Ông Nhân cho rằng, để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha, HTX nên quan tâm nâng cao năng lực của chính mình. Nhà nước cũng cần tạo cơ chế để nông dân, HTX, doanh nghiệp tham gia Đề án đều phải cố gắng. Với ngân hàng, ông Nhân đề nghị nên cho vay theo chuỗi giá trị…
Không bón thừa đạm, trả rơm về với ruộng
Giảm phát thải khí nhà kính là một trong những mục tiêu hàng đầu của Đề án 1 triệu ha. Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ), canh tác lúa phát thải 3 loại khí chính là CO2, metan (CH4), nitơ oxit (N2O).
Đối với khí CO2, phần cây lúa thải ra và hấp thu ở ruộng lúa đã cân bằng. Quá trình vùi lấp rơm rạ ở ruộng ngập nước sinh ra CH4 và H2S. Khí CH4 sẽ có tác động bằng 84 lần khí CO2. Tuy nhiên, không nên đốt rơm rạ bởi “đốt rơm là đốt tiền, bán rơm là bán máu”. Nhà nông cần tìm cách để trả rơm rạ về với đồng ruộng thông qua việc biến chúng thành phân hữu cơ.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã thí điểm sử dụng máy gặt đập kết hợp băm rơm rải đều trên ruộng, sau đó dùng vi sinh phân hủy rơm rạ (biến dưỡng CH4, axit hữu cơ, H2S) rồi vùi ngay sau khi bón vào đất ẩm để vi sinh hoạt động hiệu quả và cho thấy lúa tăng năng suất.
Đối với khí N2O tạo ra do bón phân có đạm, khi đạm bị oxy hóa sẽ sinh ra khí này. Giải pháp là cần sử dụng phân đạm phân giải chậm, sạ cụm vùi phân vào tầng khử, đồng thời không bón thừa đạm, bón theo bảng so màu lá lúa, kỹ thuật lô khuyết (xác định lượng đạm đúng nhu cầu cây trồng), bón NPK chuyên dùng cho lúa.
Hậu Giang đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, vụ đông xuân 2024 – 2025, tỉnh sẽ triển khai khoảng 1.400ha lúa theo hướng giảm phát thải trong khu vực Đề án và khoảng 1.000ha ở các vùng ngoài Đề án.
Để giải quyết các khó khăn trong triển khai Đề án, trên cơ sở khuyến nghị của các chuyên gia, ông Ngô Minh Long cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như đầu tư hạ tầng, xây dựng thương hiệu gạo Hậu Giang, tăng cường đào tạo, chuyển giao công nghệ cho nông dân, có các biện pháp quản lý việc thực hiện việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang kêu gọi sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp, HTX đối với Đề án với thông điệp “Hậu Giang – Đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX xây dựng vùng lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh một cách bền vững”.
Tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang và Agribank chi nhánh tỉnh Hậu Giang. Theo đó, Agribank Hậu Giang sẽ hỗ trợ tín dụng cho Đề án. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Hậu Giang cũng ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần chứng nhận và kiểm định Vinacontrol về cung cấp các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn cho hàng hóa. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, máy móc cơ giới hóa phục vụ sản xuất lúa gạo. Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong ký hợp tác với 6 doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng lúa gạo.
Hội thảo nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Agribank chi nhánh tỉnh Hậu Giang, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice), Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Phương Đông, Công ty Netzero, Công ty Cổ phần MTK Hữu Thành, Công ty TNHH MTV Tư Sang, Công ty Phan Tấn, Công ty TNHH Green Hg, Công ty Phân bón hữu cơ Tây Đô, Công ty An toàn lương thực sạch miền Tây.
Nguồn: nongnghiep.vn