Sáng ngày 25/10/2024, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Hậu Giang” (Đề án 1 triệu ha).
Dự Hội thảo có ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT); lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; các chuyên gia trong ngành nông nghiệp lúa gạo; nhiều nhà khoa học tại trường Đại học; về phía lãnh đạo tỉnh có ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang; ông Ngô Minh Long – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang; ông Lê Viết Quyền – Giám đốc Agribank Hậu Giang; cùng các sở, ban, ngành liên quan đến ngành nông nghiệp trong tỉnh đến dự.
Hội thảo quy tụ gần 200 đại biểu đại diện cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, Hiệp hội, các chuyên gia, doanh nghiệp ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực ĐBSCL, HTX và bà con nông dân cùng nhau thảo luận, nghiên cứu và đề xuất cơ chế chính sách, từ đó giúp tỉnh Hậu Giang có định hướng chỉ đạo thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, để thực hiện Đề án phát triển một cách bền vững 1 triệu ha lúa gạo chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn liền với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, thì Hậu Giang phải đề ra mục tiêu đến năm 2025 phải triển khai 28.000 ha. Đến năm 2030 phải tăng lên 46.000 ha và thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện, thành phố.
Nhưng từ cuối năm 2023 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai các mô hình cấp huyện, thành phố với tổng diện tích gần 300 ha, vì vậy còn khá thấp so mục tiêu đề ra.
Do vậy, Hội thảo lần này cần đặt ra mục tiêu, định hướng cho Đề án một cách quyết liệt, mạnh mẽ, tạo sự đồng thuận và tiếng nói chung của 4 nhà, đó là: Nhà nông – Nhà doanh nghiệp – Nhà khoa học – Nhà nước. Từ đó giúp cho ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, góp phần thực hiện Đề án tại Hậu Giang đạt kết quả cao như mục tiêu đề ra.
Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức sản xuất lại một cách đồng bộ đẩy mạnh khuyến khích doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với HTX gắn với đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trồng lúa với các biện pháp canh tác bền vững.
Tại Hội thảo có nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung thảo luận và gợi mở đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn như tác động của biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, xâm nhập mặn làm ảnh hưởng vùng sản xuất lúa gạo của người dân. Cơ sở hạ tầng, hệ thống đê bao thủy lợi còn hạn chế, các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi còn thiếu và ít,…từ đó giúp Hậu Giang thực hiện đề án hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đặc biệt là sự vào cuộc hỗ trợ vốn vay từ Agribank cho Đề án, đã giải quyết phần lớn những khó khăn trên.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Viết Quyền – Giám đốc Agribank Hậu Giang chia sẻ, Agribank đã có văn bản chỉ đạo các Chi nhánh thuộc vùng Đề án 1 triệu ha tiếp cận UBND tỉnh, Sở NN-PTNT để nắm bắt đầy đủ tình hình triển khai Đề án, tiếp cận người dân, doanh nghiệp, HTX tham gia Đề án, từ đó tiếp thị các sản phẩm dịch vụ Agribank để cung ứng nhanh chóng, kịp thời cho cho người dân, doanh nghiệp, HTX, đồng thời ưu tiên nguồn vốn và giảm lãi suất đáp ứng nhu cầu các đối tượng tham gia Đề án.
Hiện tại, 6/8 địa phương triển khai đề án của tỉnh này đã được Agribank Hậu Giang đầu tư cho vay 11.296 tỷ đồng (tổng dư nợ 15.303 tỷ đồng), trong đó cho vay NNNT chiếm đến 80% dư nợ. Đầu tư cho vay thu mua sơ chế lúa gạo giao động từ 1.000 – 3.000 tỷ đồng (hiện dư nợ cho vay 1.904 tỷ đồng) với mức lãi suất cho vay từ 5% – 8%/năm.
Về chính sách giảm lãi suất cho các đối tượng tham gia Đề án, Agribank Hậu Giang sẽ cân đối và trình trung ương áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cùng kỳ hạn thông thường. Đồng thời đảm bảo cung ứng vốn chủ lực cho Đề án phát triển 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại tỉnh Hậu Giang.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Agribank Hậu Giang cũng đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang nhằm cụ thể hóa kế hoạch thành chi tiết, để cùng nhau thực hiện Đề án với tổng kinh phí thực hiện dự kiến 854 tỷ đồng.
Thông qua phần tọa đàm, các đại biểu được nghe phần chia sẻ của các diễn giả đại diện cho mối liên kết 4 nhà trong chuỗi giá trị lúa gạo. Qua đây, giúp cho việc xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo tại Hậu Giang ngày càng phát triển, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp gắn liền với tăng trưởng xanh theo như chủ trương của Chính phủ đã đề ra.
Tổng kết Hội nghị, ông Ngô Minh Long – Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang đánh giá cao các mô hình thí điểm của Đề án, đã từng bước thực hiện có hiệu quả, năng suất và sản lượng lúa gạo đạt chất lượng cao, khi áp dụng đúng mô hình quy trình kỹ thuật canh tác sản xuất và phát thải thấp, đã đem lại kết quả thiết thực tỉnh Hậu Giang.
Nguồn: nongnghiep.vn