Địa phương tiên phong trong chương trình OCOP
Từ năm 2013, chương trình OCOP được triển khai và Quảng Ninh là địa phương tiên phong. Thời gian đầu, Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn như chưa có kinh nghiệm, chưa có mô hình học tập. Các cán bộ chủ chốt của tỉnh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OCOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á…
Cùng với đó, tỉnh đã cử đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan. Đồng thời nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, chính sách hiện hành, hiệu quả của mô hình đã triển khai tại Việt Nam.
Từ đó, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2013 – 2016 theo hướng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đề án đặt mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, góp phần tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy nội sinh và gia tăng giá trị.
8 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh đã tổ chức 3 hội chợ OCOP cấp tỉnh. Các hội chợ đã thu hút trên 170 nghìn lượt người đến tham quan mua sắm, tổng doanh thu bán hàng đạt gần 40 tỷ đồng.
Chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất, bao gồm cá thể, hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.
Từ chủ trương của tỉnh, chương trình đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp tới các địa phương, tổ chức và người dân, trở thành điểm nhấn quan trọng để nâng cao chất và lượng của Chương trình Mục tiêu quốc giá Xây dựng nông thôn mới.
Hiện chương trình OCOP đã được người dân, doanh nghiệp, HTX tích cực, chủ động tham gia. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2013 – 2016, từ tỉnh đến các địa phương đã chủ động thành lập Ban Điều hành OCOP, triển khai các dự án phát triển sản xuất, tổ chức hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm.
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 393 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 5 sao. Trong đó có 296 sản phẩm đạt 3 sao; 93 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao. Toàn tỉnh có 218 chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3 – 5 sao.
Những năm qua, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định được thương hiệu khi được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ ở khắp các vùng miền của tỉnh, dần trở thành hàng tiêu dùng thiết yếu của mỗi gia đình. Chương trình OCOP đã làm thay đổi nhiều vùng miền và cuộc sống của người dân.
Công nghệ mới nâng tầm sản phẩm OCOP
Nổi bật trong số các sản phẩm OCOP ở Quảng Ninh có thể kể đến là trà hoa vàng Ba Chẽ. Theo ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ), cây trà hoa vàng là loài bản địa, mọc tự nhiên trên rừng, bên các khe, lạch.
Hiện nay, không chỉ làm chủ kỹ thuật trồng, ông Trắng đã đầu tư hàng tỉ đồng để mua máy móc hiện đại, hoàn thiện quy trình sản xuất sấy thăng hoa để hoa trà giữ nguyên màu sắc, mùi vị và dược tính. Ông cũng chuẩn hóa quy trình sản xuất trà từ khâu tuyển chọn đến đóng gói.
Theo ông Trắng, hiện giá hoa trà khô Công ty bán ra khoảng 13 triệu đồng/kg; mỗi hộp lá trà túi lọc có giá 60.000 đồng và lá trà khô để nguyên có giá 50.000 đồng/gói. Ngoài thu nhập từ hoa trà, lá trà, ông còn ươm thành công 10 vạn cây trà giống và bán với giá 35.000 đồng/cây.
Ông Vi Thành Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ba Chẽ chia sẻ, nghề trồng trà hoa vàng không chỉ tạo sinh kế, giúp người dân làm giàu mà còn tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc riêng có ở huyện miền núi Ba Chẽ.
“Chúng tôi đang hướng dẫn bà con duy trì chất lượng và thương hiệu OCOP của trà hoa vàng. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các hộ gia đình có diện tích trồng trà lớn để liên kết với các doanh nghiệp, hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ để kiến nghị cấp thêm diện tích vùng trồng an toàn của huyện Ba Chẽ”, ông Vinh cho biết.
Được ví như Việt Nam thu nhỏ, sản phẩm OCOP của Quảng Ninh rất đa dạng, phong phú khi có cả rừng, biển, đồng bằng, trung du. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) là đơn vị sản xuất các loại ruốc từ hàu, ngao… Sau khi chuyển về xưởng, hàu sẽ nhanh chóng được làm sạch rong rêu ký sinh, sục rửa qua bể ozone.
Ngoài ra, toàn bộ quy trình chế biến ruốc hàu Bavabi sử dụng máy móc bán tự động, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm ruốc hàu Vân Đồn đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao từ năm 2016. Trung bình, mỗi lọ ruốc hàu khối lượng 100g có giá 150.000 – 180.000 đồng.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Bavabi chia sẻ: “Là doanh nghiệp tiên phong trong chế biến sâu các sản phẩm từ hàu, từ năm 2014 đến nay, Bavabi đã cho ra thị trường lượng lớn ruốc hàu, đưa ruốc hàu Vân Đồn trở thành sản phẩm đặc sản của Quảng Ninh. Chúng tôi đang hướng tới xuất khẩu ruốc hàu sang các thị trường như Nhật Bản, châu Âu”.
Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất cũng được Quảng Ninh chú trọng đầu tư, hỗ trợ từ quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP được đầu tư phát triển và chuẩn hóa vùng nguyên liệu đầu vào, được bảo hộ sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu. Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cũng được xây dựng và ứng dụng công nghệ QR-code để đảm bảo minh bạch thông tin cho người tiêu dùng.
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện cấp mã QR-code cho gần 1.300 sản phẩm nông sản, thủy sản; in và cấp phát trên 323.000 tem truy xuất nguồn gốc cho thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh quyết tâm nâng tầm sản phẩm OCOP, xem đây là chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế nhằm phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông sản của địa phương.
“Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, liên kết theo chuỗi dựa trên thế mạnh về nguyên liệu, văn hóa và các đặc sản địa phương; đẩy mạnh đổi mới toàn diện từ công tác lãnh đạo, quản lý đến nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, HTX…; rà soát, định vị các nhóm sản phẩm, tập trung hỗ trợ hiệu quả các sản phẩm chủ lực và chuẩn hóa quy trình sản xuất, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ qua các kênh truyền thông và nền tảng số như Tiktok, Facebook…”, ông Vọng cho biết.
Giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Ninh xác định đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy người dân là chủ thể thực hiện chính, ưu tiên phát triển những sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch nông thôn và đầu tư cho các sản phẩm OCOP hướng tới thị trường toàn cầu.
Nguồn: nongnghiep.vn