Bước qua sân là tới khu xưởng sản xuất với những thiết bị sáng bóng. Dẫn tôi vào phòng lên men có hệ thống điều hòa nhiệt độ chạy 24/24, anh Dương Văn Quý – chủ thể OCOP ở xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội – bảo đây là linh hồn của xưởng bởi rượu có đạt hay không, có ngon hay không, có thơm hay không ngoài nguyên liệu, nguồn nước, cách nấu còn cả do nhiệt độ. Xưa các cụ kiêng nấu rượu vào mùa hè là vì thế.
Mỗi làng xã ở trên đất Việt đều có những người nấu rượu thủ công trong đó có nơi thành làng nghề như Kim Sơn (Ninh Bình), làng Vân (Bắc Giang), rượu Phú Lộc (Hải Dương)… Làng Gồ xưa liên quan đến 3 xã Yên Sơn, Phượng Cách và một phần của Vân Côn ngày nay không phải là làng nghề nấu rượu mà chỉ có một số nhà nấu rượu.
Vốn học Đại học Giao thông Vận tải, làm cho tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc với mức lương xấp xỉ 1.000 USD (tương đương hơn 20 triệu đồng/tháng) nhưng bỗng một ngày anh Quý lại rẽ ngang về quê nấu rượu.
Hỏi lý do, anh cười và kể: “Bà nội em nấu rượu kết hợp với nuôi lợn như một số người trong làng Gồ nhưng chỉ khác chút là hàng bán chạy, thậm chí ngay từ năm 2003 đã có đơn vị còn đặt tới 1.000 lít để về đóng chai, dán nhãn bán.
Từ hồi còn là sinh viên, năm 2015 em đã chọn những cái chai thủy tinh đẹp rồi đóng rượu của nhà, dán nhãn rượu Gồ vào để chào bán với ý định vừa giúp gia đình tiêu thụ sản phẩm, vừa kiếm thêm thu nhập cho bản thân. Em đi từng quán ở khu vực quận Hà Đông chào hàng, giới thiệu sản phẩm nhưng không bán được một chai nào bởi không ai biết em là ai, rượu Gồ là gì cả. Sau đó chính nhờ vào bạn bè uống thử, thấy ngon, giới thiệu giúp từ đó em có những mối quen đầu tiên, mỗi tháng bán được cỡ trăm lít”.
Một biến cố không ngờ xảy ra với gia đình vào năm 2017. Cụ thể là anh đang bán rượu kiểu nhỏ lẻ như trên thì có cuộc gọi báo xưởng của gia đình không có giấy phép kinh doanh, không có giấy công bố kiểm định.
Ngây ngô, anh mới trả lời rằng: “Nhà tôi nấu rượu bằng thật đây, có đi lấy ở đâu đâu mà phải giấy tờ?”. Nhưng anh về vẫn bàn với bố phải làm những giấy tờ đó thì ông bảo: “Mày không phải lo, cả làng, cả nước nấu rượu thủ công ai có giấy đâu mà mày lại nhiêu khê”. Thấy bố nói cũng có lý nên anh thôi. Kết quả là sau đó xưởng của nhà bị đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Quốc Oai phạt vì không đủ điều kiện pháp lý, bị tịch thu cả rượu.
Về nhà, hay chuyện anh mới trách bố: “Đấy, con bảo rồi mà bố mẹ cứ không nghe”. Bố anh nghe tức quá liền bảo: “Á, giờ mày lại trách tao à? Nghề nấu rượu đã nuôi sống cả nhà mày, cả mày mà giờ mày lại nói câu ấy à?”. Biết ngành nghề sản xuất rượu có những quy định rất khắt khe nên anh đã bỏ nghề để làm chuyên gia cho Công ty Hyundai của Hàn Quốc.
Mỗi lúc thấy người Hàn Quốc uống rượu SoJu và giới thiệu đầy tự hào về quốc tửu, sâu thẳm trong anh nung nấu một ý định đưa rượu của gia đình lên thành bản sắc văn hóa Việt. Anh đem rượu cho người Hàn Quốc uống thử, thấy rất thích nên họ mang về để làm quà nhưng tới sân bay do chai không có nhãn mác gì đành phải để lại.
Sau gần 5 năm làm chuyên gia cho Hàn Quốc anh đã xin nghỉ hẳn để quay lại phát triển rượu làng Gồ. Biết đến Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai anh liền nhờ hướng dẫn làm đầy đủ các tục sản xuất, kinh doanh rượu. Năm 2021, anh đem hai sản phẩm rượu sim xanh và rượu tươi tham dự chương trình OCOP của thành phố Hà Nội và được OCOP 3 sao. Rượu sim xanh là sản phẩm kết hợp giữa quả sim chín của Quảng Trị và sim xanh của Ba Vì, TP Hà Nội.
Vì sao lại có chuyện đó? Trước đấy, tại đám cưới của anh, trong nhà có hai chum rượu sim chín và sim xanh hơi thiếu nên gộp vào làm một. Thế nhưng tiệc xong ai cũng hỏi anh xin rượu để mang về. Vô tình nhờ đó mà anh tìm ra một công thức pha rượu sim rất ngon, lúc mới uống sẽ cảm nhận vị the the nơi đầu lưỡi do tanin chát của quả sim xanh, khi uống xong trong cuống họng có hậu vị ngọt dịu từ mật của quả sim chín. Còn rượu tươi là công thức gia truyền từ thời bà nội, không qua chưng cất, đến thời của anh nó được cường hóa với 10-15% rượu nặng độ để kéo dài tuổi thọ.
Rượu tươi của anh Quý đã được vào giỏ quà tặng của Chủ tịch nước năm 2023, 2024. Mới đây anh có hai sản phẩm được TP Hà Nội công nhận OCOP 4 sao là rượu hạ thổ và rượu hậu huyết mận. Rượu hạ thổ là công nghệ xưa nhưng anh đã nâng thêm một tầm cao mới khi được chưng cất hai lần, được lão hóa, khử andehit rồi mới hạ thổ ở chỗ có nhiều bóng cây, thoáng mát.
Bởi thế uống rất đầm chắc, cảm nhận rõ 42 vị men thuốc Bắc với hậu vị kéo dài. Rượu hậu huyết mận là sự kết hợp của rượu và mận hậu Sơn La, mận huyết Hà Giang. Những nguyên liệu của anh đều có nguồn gốc xuất xứ như gạo của An Khánh farm ở xã Ngọc Liệp huyện Quốc Oai, men của công ty Thái An…
Sản lượng của anh vẫn còn khiêm tốn, mỗi tháng chỉ khoảng hơn 1.000 lít với giá rượu thường 60.000đ/lít và loại đặc biệt đóng chai 270.000đ/chai, cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. “Em muốn nâng tầm chất lượng rượu truyền thống nấu bằng men thuốc Bắc có 42 vị, cải tiến chất lượng, mẫu mã, tăng sản lượng lên để có thể đưa rượu Việt Nam sánh với nhiều loại rượu nổi tiếng trên thế giới như Mao Đài của Trung Quốc, Sake của Nhật Bản, Soju của Hàn Quốc… Đời em không làm được thì đời con của em sẽ làm được”, anh Quý ấp ủ.
Nguồn: nongnghiep.vn