Sáng 1/11, tại TP. HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng giảm phát thải nhằm đánh giá, thúc đẩy chăn nuôi bò thịt trong tình hình mới.
Chiếm chưa đến 1% sản lượng thịt bò
Chăn nuôi bò là nghề truyền thống của ngành nông nghiệp để cấp thịt, sức kéo, phân bón và làm nguyên liệu cho một số ngành nghề. Bộ NN-PTNT đã có nhiều chính sách khuyến khích, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò nhằm là tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân. Sản lượng bò thịt đang đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhiều năm qua đã triển khai chương trình “Sind hóa”, “U hóa”, “Zebu hóa” đàn bò địa phương có tầm vóc và khối lượng của đàn bò trên phạm vi cả nước.
“Tỷ lệ bò lai cả nước trung bình trên 60%. Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có đàn bò lai trên 90%, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 80-90%. Bình quân khối lượng bò thịt từ 170 – 250 kg/con”, ông Đăng cho hay.
Cùng với đó, chương trình cải tiến nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zebu hóa trên cơ sở phát triển nhanh, mạng lưới thụ tinh nhân tạo và sử dụng bò đực giống tốt đã qua chọn lọc cho nhân giống ở những nơi chưa có điều kiện triển khai biện pháp thụ tinh nhân tạo.
Việc chọn lọc trong sản xuất các giống bò Zebu, nhập nội bổ sung một số giống bò có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái trong nước, phục vụ lai tạo giống bò sữa và bò thịt chất lượng cao, cung cấp bê đực cho nuôi vỗ béo bò thịt.
“Trong giai đoạn 2019 – 2023, tổng đàn bò thịt của cả nước có xu hướng giảm nhẹ, đạt gần 6 triệu con vào năm 2023, giảm 0,2 so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam là quốc gia có thứ hạng cao về sản lượng chăn nuôi lợn, gà trên thế giới nhưng đàn bò và sản lượng thịt bò của nước ta chỉ chiếm chưa tới 1%”, ông Đăng thông tin.
Tuy nhiên, lượng thịt bò của nước ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 45 – 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Mỗi năm, bình quân 1 người Việt Nam tiêu thụ khoảng 65 – 68 kg thịt hơi các loại và lượng tiêu thụ thịt bò mới chỉ khoảng 7 – 8 kg. Như vậy, mức tiêu thụ thịt bò của Việt Nam thấp hơn mức tiêu thụ thịt bò trung bình của thế giới là 9,5 kg.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người hàng năm ngày càng được cải thiện, mức tiêu thụ thịt các loại của người tiêu dùng Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt là thịt bò. Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để phát triển hơn nữa ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, đối với một đất nước đi theo nền công nghiệp hóa, tự động hóa thì không thể nào tách rời sự phát triển của chăn nuôi bò thịt. Hiện cũng đã có nhiều chính sách để phát triển chăn nuôi bò thịt.
Việt Nam hiện có nhiều giống bò bản địa và lai chất lượng, phù hợp để phát triển đàn và chất lượng đàn bò. Việt Nam có thể học hỏi cách làm của Hàn Quốc về giống, thức ăn dinh dưỡng để nâng cao chất lượng, sản lượng cho đàn bò thịt nói riêng.
“Ngành chăn nuôi cần rà soát lại các chương trình, công thức lai, đặc biệt là thụ tinh nhân tạo. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc để chọn các vùng lai tạo bò thịt. Các hợp tác này phải đặt mục tiêu về kinh tế và chất lượng thịt”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.
Song hành với giảm phát thải, bảo vệ môi trường
Hiện nay, quy mô nhỏ lẻ, phân tán của bò thịt nói riêng chiếm tỷ lệ cao, với trên 90%. Thức ăn cho bò vẫn là chăn thả rông và tận dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp. Kiểu chăn nuôi này dễ chịu rủi ro cao về dịch bệnh, hiệu quả thấp và làm gia tăng lượng phát thải ra ngoài môi trường. Chăn nuôi bò thịt đóng góp trên 50% tổng lượng phát thải toàn ngành chăn nuôi.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo, phát triển chăn nuôi bò thịt nói riêng phải tính đến kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, đưa ra phát thải ròng về 0 vào năm 2025.
“Chúng ta phải bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương. Phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi giảm 18%, trong đó phát thải khí mê tan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn năm 2025 và 15,2 triệu tấn năm 2030. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ngành chăn nuôi đang tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi trong chăn nuôi bò thịt.
“Chúng tôi đang khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ và sản xuất năng lượng tái tạo. Các mô hình chăn nuôi bò thịt theo kinh tế tuần hoàn cũng được nhân rộng. Các trang trại chăn nuôi cũng phải được ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát môi trường chăn nuôi bò cũng như theo dõi các chỉ số sinh lý, sinh hóa của vật nuôi nhằm tối ưu hóa môi trường chăn nuôi”, ông Dương Tất Thắng cho hay.
Gần đây, phương thức chăn nuôi bò thịt đã chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh áp dụng công nghệ cao. Nhờ đó, năng suất của đàn bò thịt cũng như chất lượng thịt bò, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò ngày càng tăng cao.
Công nghệ áp dụng trong hệ thống chuồng trại cũng rất đa dạng. Trong đó, đàn bò thịt tại các trang trại chăn nuôi được nuôi nhốt có kiểm soát đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường chăn nuôi. Hình thức chăn nuôi này đang được các doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi bò thịt áp dụng.
Nhiều trang trại chăn nuôi bò thịt vỗ béo có quy mô hàng nghìn con trở lên được tập trung ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Nguồn: nongnghiep.vn