Hiểu nhiều nhưng mua ít
Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC) và Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập vừa thông tin về Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024.
Theo ông Nguyễn Văn Phượng – Phụ trách điều tra thị trường của Hội DN HVNCLC, những lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, mối quan tâm đến sức khỏe và môi trường, cùng với các hoạt động thông tin tích cực về lợi ích tiêu dùng xanh trong thời gian qua đã tác động nhất định tới người tiêu dùng (NTD). NTD hiện nay nhận thức khá tích cực về những lợi ích mà tiêu dùng xanh mang lại.
Tuy nhiên, từ ý thức tới hành động vẫn còn một khoảng cách khá lớn thể hiện ở mức độ ưu tiên của NTD đối với tiêu dùng xanh còn hạn chế. Lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của NTD hiện nay. Ngay tại Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ NTD tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến hiện mới chỉ chiếm khoảng 12-18%.
Thực phẩm xanh được NTD sử dụng ở mức độ cao nhất so với các sản phẩm xanh khác nhưng mới chỉ đạt gần tới mức độ thường xuyên. Sản phẩm hóa mỹ phẩm xanh và đồ gia dụng xanh được NTD sử dụng ở mức độ thỉnh thoảng. Các sản phẩm dụng cụ thể thao, văn phòng phẩm, phương tiện đi lại và may mặc xanh còn ít khi được NTD mua dùng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy quan điểm của NTD hiện nay là chưa nỗ lực mua sản phẩm xanh, chưa mặn mà với việc khuyến khích người thân, bạn bè tiêu dùng sản phẩm xanh. Có thể tóm lại ngắn gọn: nhận thức và thái độ đối với tiêu dùng xanh của NTD hiện nay là tín hiệu đáng mừng, nhưng thực trạng tiêu dùng xanh thì còn đáng buồn.
Khi chọn mua sản phẩm xanh, bên cạnh các tiêu chí chất lượng, an toàn, tốt cho sức khỏe …, thì yếu tố sản phẩm thân thiện môi trường cũng rất được NTD quan tâm khi chọn mua sản phẩm xanh. Có thể nói tiêu chí thân thiện môi trường trở thành thước đo của NTD đối với sản phẩm, là nhân tố tạo dấu ấn và niềm tin nơi NTD khi chọn mua sản phẩm xanh.
Ngoài các tiêu chí trên, NTD hiện nay cũng rất quan tâm đến yếu tố giá thành khi chọn mua sản phẩm xanh.
Hai tiêu chí quan trọng được coi là thành phần tạo nên sản phẩm xanh là sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc có thành phần được làm từ nguyên liệu tái chế lại chỉ được một bộ phận nhỏ NTD quan tâm khi chọn mua sản phẩm xanh. Điều này cho thấy NTD còn khá e ngại khi chọn mua các sản phẩm có thành phần tái chế do chưa hiểu được những lợi ích đối với môi trường mà sản phẩm tái chế mang lại.
Đối tượng khách hàng chính yếu của các sản phẩm xanh hiện nay là NTD trong độ tuổi từ 31 tuổi đến 45 tuổi, trình độ đại học, có nghề nghiệp ổn định và mức thu nhập từ 15 triệu đến 30 triệu. Tùy thuộc đặc trưng tiêu dùng của sản phẩm xanh mỗi ngành hàng mà đối tượng khách hàng chính yếu của từng loại sản phẩm ngành hàng có sự chuyển dịch nhất định.
Giá cả là rào cản lớn nhất
Ông Nguyễn Văn Phượng cho biết, động lực chính thúc đẩy NTD tiêu dùng sản phẩm xanh là tốt cho sức khỏe, giảm thiểu tác hại môi trường. Ngoài ra, các yếu tố bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao ý thức cộng đồng, và tiêu dùng có trách nhiệm cũng tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng xanh. Mục tiêu tiết kiệm chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi sản xuất xanh, cũng là những nhân tố tạo động lực tiêu dùng xanh nơi một bộ phận NTD.
Rào cản lớn nhất đối NTD hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao (78%), kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh. Ngoài ra, sự phàn nàn của NTD đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng là trở ngại làm giảm lòng tin với đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường (18% NTD cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ).
Rào cản cuối cùng phải kể đến là nhận thức của một bộ phận NTD còn hạn chế, đặc biệt NTD ở khu vực nông thôn vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng và mức độ hiểu biết của họ về tiêu dùng xanh còn khá hạn chế (với 7% NTD cho biết họ cảm thấy chưa cần thiết phải tiêu dùng xanh).
Ngoài ra, mối quan tâm tới môi trường hiện mới chỉ là yếu tố có tác động gián tiếp tới hành vi tiêu dùng xanh của NTD. Hay có thể nói, NTD mới chỉ dừng lại ở mức độ lo ngại những tác hại của môi trường chứ chưa nhận thấy sự cần thiết phải có những hành động vì mục tiêu giảm thiểu tác hại để bảo vệ môi trường thông qua việc tiêu dùng.
Tỷ lệ NTD chọn nơi mua sản phẩm xanh tùy thuộc vào đặc trưng tiêu dùng sản phẩm và mức độ cung ứng tại các kênh phân phối. Trên bình diện chung, kết quả khảo sát cho thấy các kênh GT (kênh phân phối hàng hóa truyền thống) và MT (kênh phân phối hàng hóa hiện đại) chiếm tỷ lệ khá tương đồng trong hoạt động cung ứng các loại sản phẩm xanh (67% và 66%). Đặc biệt, các kênh online cũng chiếm một tỷ lệ đáng ngạc nhiên với khoảng 45%.
Trong các kênh GT thì đại lý và cửa hàng chuyên là nơi NTD ưng đến nhiều nhất (58%) khi có nhu cầu mua hầu hết các loại sản phẩm xanh. Ngoại trừ đại lý, cửa hàng chuyên, hai kênh tạp hóa và sạp chợ khá lép vế trong hoạt động cung ứng sản phẩm xanh. Đối với các kênh MT thì siêu thị vẫn là điểm đến được NTD lựa chọn nhiều nhất (49%). Sàn thương mại điện tử hiện là kênh chiếm tỷ lệ chủ đạo trong các kênh online.
NTD sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm xanh
Tuy mức độ tiêu dùng xanh còn thấp, nhưng kết quả nghiên cứu này đã cho thấy, NTD có nhận thức và thái độ khá tích cực về tiêu dùng xanh, do vậy sẽ tạo ra những tác động tích cực nhất định tới hành vi tiêu dùng xanh nơi NTD.
Tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu và sẽ ngày càng trở nên phổ biến, kết quả khảo sát xu hướng tiêu dùng xanh cho thấy đa số NTD (59%) cho biết họ sẽ gia tăng sử dụng sản phẩm xanh, và tiêu dùng xanh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, NTD cũng cho biết họ sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau, trong đó mức độ chi trả tăng thêm được NTD hưởng ứng nhiều nhất là chi tăng thêm từ 5-10% so với sản phẩm thông thường để tiêu dùng sản phẩm xanh. Đặc biệt, có khoảng 20% NTD chấp nhận chi trả tăng thêm trên 10%.
“Nếu có lực lượng đông đảo NTD ủng hộ sản phẩm xanh, sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao hơn thông thường, thì sản xuất xanh và tiêu dùng xanh hứa hẹn có dư địa phát triển. Khi sức tiêu thụ của sản phẩm xanh tốt hơn và sự dịch chuyển trong hành vi mua sắm của NTD hướng đến tiêu dùng xanh sẽ là động lực để thúc đẩy sản xuất xanh, bền vững”, ông Nguyễn Văn Phượng chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn