Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân thực hiện thành công Dự án “Xây dựng mô hình hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP” tại xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc. Từ kết quả này, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục hỗ trợ xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) thực hiện mô hình với mong muốn nhân rộng kỹ thuật nuôi ong theo hướng bền vững và hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình nhằm thúc đẩy nghề nuôi ong gắn với xây dựng sản phẩm OCOP, nhân rộng mô hình và nâng cao nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi ong đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển nghề nuôi ong của Hà Tĩnh theo hướng sinh thái, hiệu quả và bền vững.
Tham dự dự án có 10 hộ dân tại xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang). Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 500 đàn ong giống Apis cerana cùng các vật tư phục vụ nuôi và khai thác mật, đồng thời được tham gia tập huấn về các kỹ thuật tốt trong nuôi ong lấy mật như chăm sóc, quy trình phòng bệnh và chống thiên địch gây hại; cách khai thác, bảo quản mật ong và tạo chúa, nhân đàn…
Kết quả, các tham gia dự án cũng như người dân tại địa phương đã tìm được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Trước đây, các hộ nuôi ong theo cách truyền thống, nguồn ong giống thường được bẫy từ tự nhiên, nuôi không theo quy trình kỹ thuật (ong thường bốc bay và sản lượng mật thấp, chỉ đạt 1,2 – 1,6kg/đợt/đàn). Khi tham gia mô hình, các hộ được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn trực tiếp tại vườn và được hỗ trợ nguồn ong giống đảm bảo chất lượng.
Nhờ đó, các hộ đã tuân thủ theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, đàn ong phát triển tốt, có tính ổn định đàn cao. Sau hơn 6 tháng triển khai, mô hình đã cho thu hoạch hơn 5.000 lít mật. Đồng thời các hộ tham gia được hỗ trợ tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm mật ong được hỗ trợ đóng chai, có nhãn mác thương hiệu nên giá bán được nâng cao và ổn định (220.000 – 250.000đ/lít).
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh ở thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh tham gia dự án phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ nuôi 10 đàn ong. Được dự án hỗ trợ ong giống và các vật tư thiết yếu như đường, phấn hoa, thùng quay mật, chân tầng, bộ dụng cụ nhân đàn…, gia đình tôi đã phát triển lên đến 50 đàn ong. Được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăm nuôi đầy đủ, đàn ong của gia đình tôi khỏe mạnh, đông quân, cho lượng mật cao và ổn định”.
Sau khi tham gia dự án, 10 hộ dân tại xã Đức Lĩnh đã thành lập Hợp tác xã Nuôi ong lấy mật xã Đức Lĩnh. Quá trình hoạt động, các thành viên luôn tuân thủ nội quy, quy trình sản xuất do Hợp tác xã đề ra. Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã được đóng chai, dán nhãn mác để nhận diện thương hiệu. Do vậy, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Thu nhập của các hộ dân đạt từ 80 – 100 triệu đồng/năm.
Kỹ sư Phạm Trường Sơn (Phòng Chuyển giao Khoa học kỹ thuật – Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh) cho biết: Sau khi tham gia dự án, đàn ong của các hộ tham gia sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất mật bình quân đạt ≥ 18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥ 10% so với nuôi đại trà.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho hay: Là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật, tuy nhiên, nghề nuôi ong ở xã Đức Lĩnh mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ. Phần lớn các hộ chỉ nuôi từ một vài đàn, cá biệt mới có hộ nuôi 5 – 10 đàn. Được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mà trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh hỗ trợ thực hiện dự án “Xây dựng mô hình hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP”, nghề nuôi ong lấy mật ở địa phương này đã có nhiều chuyển biến. Không chỉ tăng về tổng đàn, người dân địa phương còn có thêm kinh nghiệm xây dựng sản phẩm mật ong Đức Lĩnh đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường…
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 40 nghìn đàn ong với gần 4.000 hộ nuôi. Trong đó, phần lớn số hộ chỉ nuôi với quy mô từ 5 – 10 đàn, có hộ nuôi 30 – 40 đàn, cá biệt có hộ nuôi tới 100 đàn, năng suất mật ong đạt trung bình 8 – 9 lít/đàn/năm, tổng sản lượng mật hàng năm đạt trên 400 tấn.
Nghề nuôi ong tại các địa phương ở Hà Tĩnh vẫn còn mang tính truyền thống, nguồn ong giống được nuôi chủ yếu là ong tự nhiên. Người nuôi chưa nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi dẫn đến năng suất, sản lượng mật thấp, thường xảy ra hiện tượng ong bốc. Sản phẩm mật còn nhỏ lẻ, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định và chưa hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, thành công của dự án là tiền đề quan trọng góp phần phát triển nghề nuôi ong hàng hóa, bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn