Cách để gom được đất của 600 hộ dân
Giữa hồ sen lồng lộng, chúng tôi ngồi trong căn chòi ăn lẩu cá chép bắt dưới hồ om cùng củ sen, cuốn với lá cải Mơ hái ở gần đó thơm và cay nồng. Giữa khung cảnh thơ mộng ấy, chàng nghệ sĩ kiêm quản lý khu trang trại có nghệ danh là Hoàng Quyết vớ lấy cây guitar vừa gẩy bập bùng vừa hát. Tiếng đàn, tiếng hát như làn gió khiến hồn người chợt giống một cánh diều chợt vút lên trời cao.
Anh Vương Đắc Lộc quê chính hiệu làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Anh vốn có nghề xây dựng với thâm niên hơn 10 năm chuyên làm về kiểm định, kiếm sống khá dư dả, thế rồi dịch Covid-19 kéo đến đã làm đổi lộn tất cả.
Nghề kiểm định xây dựng trước đó đã gần như bão hòa trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khiến anh chán nản quyết định quay về quê để làm nông. Anh khởi nghiệp bằng một vườn nho rồi sau đó bắt đầu hướng sự chú ý đến cánh đồng Ngãi và đồng Chành vốn bị bỏ hoang bấy lâu và nuôi mộng trồng sen, làm nông nghiệp đa giá trị, kết hợp giữa sản xuất, chế biến và du lịch sinh thái.
Chuyện thuê đất của anh cũng rất phức tạp bởi riêng vườn nho đầu tiên chỉ có diện tích 5.000m2 thôi cũng liên quan đến đất của gần 100 hộ, mỗi hộ 50m2. Tiếng là đất bỏ không đấy nhưng hỏi thuê lại rất khó. Trước đó có doanh nghiệp về đặt vấn đề thuê đất, trả giá cao nhưng người dân nhất định không chịu bởi sợ mất đất.
Anh Lộc có lợi thế cùng quê, hơn thế lại là người thật việc thật, trước đó đã trồng nho rồi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế nên có cơ sở để nói chuyện với dân. Diện tích 20 ha ngoài đồng Ngãi, đồng Chành ấy liên quan đến khoảng 600 hộ. Nếu tổ chức họp dân thì “chín người mười ý”, không thể thuê được. Bởi thế anh nghĩ ra một cách là nhờ xã và nhờ các trưởng thôn nói chuyện với dân xong rồi tìm đến những nhà mà mình nghĩ sẽ khó cho thuê trước để vận động.
Khi những nhà này đồng ý thì những gia đình khác lập tức nghe theo. Chẳng gì đó cũng là cách giúp họ có chút thu nhập, hơn thế còn làm đẹp, làm giàu cho quê hương. Hợp đồng thuê đất ký 5 năm/1 lần, trả tiền theo từng năm với mức giá 300.000đ/sào/năm.
Thuê được 20 ha đất nhưng năm đầu tiên anh Lộc chỉ đủ sức cải tạo được 10 ha rồi xin tham gia vào mô hình trồng sen của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Trong quá trình làm quen với đối tượng cây trồng hoàn toàn mới này, anh được sự giúp đỡ tỉ mỉ về kỹ thuật của PGS.TS Đặng Văn Đông-Viện Phó Viện Nghiên cứu Rau quả.
Có 8 giống sen được cấy xuống ruộng hoang gồm loại chuyên hoa như pink, super, ruby, lady, quan âm…loại chuyên hạt như sen mặt lồi. Ngoài bán hoa tươi, củ sen tươi cho các chợ đầu mối, chợ dân sinh anh còn mày mò thử nghiệm chế nước cất hoa sen, củ sen sấy lạnh, tinh bột sen…
Từ tinh bột sen anh kết hợp với thứ đặc sản nổi tiếng của quê mình là miến làng So từng được thành phố Hà Nội công nhận OCOP 4 sao để tạo thành một sản phẩm mới là miến sen, đón đầu xu hướng tiêu dùng…
Mong ước gìn giữ văn hóa xứ Đoài
HTX Nông nghiệp xứ Đoài được anh Lộc thành lập vào tháng 1 năm 2024. Tôi hỏi tại sao lại đặt tên như thế thì anh cười rồi trả lời rằng: “Đẹp đình So. To đình Cấn”. Quê em có ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Tất cả các ngọn núi trong vùng đều có chùa.
Làng So cũng là làng cổ, nổi tiếng về nghề làm miến dong. Thời gian gần đây nhiều người dân bỏ ruộng hoang, trong khi đó khoảng cách từ nội thành về chỉ khoảng 30 phút chạy xe nên em nghĩ đến việc làm nông nghiệp tuần hoàn, đa giá trị, kết hợp với làng nghề, với các di tích lịch sử và cảnh quan để thu hút khách du lịch.
Hơn thế làng nghề làm miến dong mỗi năm thải ra nhiều ngàn tấn bã củ dong, phải bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường nên em đã thử nghiệm nuôi giun rồi lấy phân bón cho sen. Cứ khoảng 4-5 tấn bã củ dong sẽ tạo ra được 1 tấn phân giun. Đó là một loại phân an toàn, giá thành rẻ, vừa giúp cho cây phát triển khỏe vừa cải tạo đất thêm tơi xốp, màu mỡ.
Ở đây đã gần như có đủ hết các điều kiện rồi, giờ chỉ có làm như thế nào thôi. Hiện tại vườn nho rộng hơn 2ha của em cũng là điểm có thể khai thác du lịch rất tốt, còn ở trang trại sen sẽ trở thành khu trải nghiệm cả về văn hóa, ẩm thực lẫn giải trí, là nơi tái hiện cảnh làng quê Bắc Bộ xưa.
Hiện tại em đang bắt đầu cho làm các hạ tầng như đường, điện, nước và những công trình phụ trợ. Điều này cần có sự hỗ trợ của chính quyền vì nhiều thứ không thể tự làm như đường vào, bến đỗ xe và cả phần xây dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp…
Trong cái chòi này anh Lộc sẽ trưng bày những nông cụ thân thiết với người nông dân, bên cạnh đó dựng lên những cây rơm để làm sao khi mới bước chân vào du khách sẽ thấy một đặc trưng của Bắc Bộ xưa. Đó là về không gian. Còn về ẩm thực, trước tiên anh sẽ giới thiệu những món ăn của dân làng So như các món miến, sau đó là những món ăn đậm chất Bắc Bộ xưa như cá kho, cá nướng, chạch kho, cà pháo muối…Và cuối cùng là văn hóa.
Chỉ vào một cái sàn gỗ lớn đang được dựng lên giữa hồ sen, anh giới thiệu đó sẽ là sân khấu biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian như tuồng, chèo, múa rối…Mỗi thứ bảy ở đây sẽ tổ chức các show như vậy để cho khách quay ngược dòng thời gian, trở về với miền ký ức của làng quê cũ. Một đề án nông nghiệp kết hợp du lịch như thế đã được anh Lộc gửi lên cơ quan chức năng để chờ phê duyệt.
“Anh Vương Đắc Lộc là người trẻ nhưng đam mê nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp xanh khi sử dụng chủ yếu phân bón hữu cơ, chế phẩm·vi sinh, hạn chế dùng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học. Huyện Quốc Oai rất ủng hộ hướng đi mang tính tiên phong này của anh và sẽ vận dụng tất cả các chính sách của Nhà nước đang có để hỗ trợ cho mô hình từ sản xuất, chế biến đến xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm”, chị Nguyễn Thị Sắc – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quốc Oai cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn