Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa đông năm 2024-2025, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong các tháng 12/2024-01/2025 tại khu vực vùng núi phía Bắc và gây ra các đợt rét đậm, rét hại kéo dài, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này.
Tại một số huyện miền núi của Quảng Ninh, nhiệt độ thường thấp hơn so với các địa phương khác. Thời điểm này, công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi được các đơn vị chuyên môn và người dân trên địa bàn tích cực triển khai.
Đơn cử như huyện Bình Liêu, theo thống kê, huyện có 2.200 con trâu, 2.900 con bò, 3.700 con lợn và hơn 105.000 con gia cầm các loại. Ngay từ đầu mùa đông, huyện Bình Liêu đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời trên các phương tiện để mọi người dân biết, chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu cho biết: “Thời điểm này, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục theo sát tình hình thời tiết để có các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi kịp thời khi có rét đậm, rét hại. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra tình hình phòng chống rét, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong mùa đông”.
Đặc biệt, trước diễn biến bất lợi của thời tiết, huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản, thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp thôn, bản, khu phố để tuyên truyền, hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn và bổ sung dinh dưỡng chăm sóc đàn vật nuôi.
Gia đình ông Lương Thiêm Phú (thôn Nà Áng, xã Đồng Tâm) hiện đang nuôi 13 con trâu. Khi biết thông tin thời tiết về đợt rét, gia đình ông đã chủ động dọn vệ sinh chuồng trại, nhốt trâu tại chuồng, nấu nước cháo ấm pha muối cho trâu.
Theo bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, hiện các đơn vị chuyên môn đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt 2/2024 với đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… đảm bảo 80% tổng đàn thuộc diện tiêm.
Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trước mùa đông năm nay, Chi cục đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động gia cố lại chuồng trại, có hệ thống bạt, rèm che chắn chuồng, bảo đảm chuồng trại kín, ấm, khô vào những ngày trời lạnh.
Đặc biệt, nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, có rải thêm lớp trấu, rơm khô để giữ ấm chân và tăng nhiệt độ trong chuồng. Những ngày rét đậm, rét hại dưới 12 độ C tăng cường sưởi ấm vật nuôi bằng bóng điện sợi đốt, bóng hồng ngoại hoặc đốt củi, bếp than để sưởi (chú ý khi đốt lửa sưởi phải có đường ống dẫn khói thải ra ngoài chuồng, tránh hiện tượng ngạt, ngộ độc vật nuôi và vị trí đốt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy).
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng vận động người dân chủ động thu gom, dự trữ thức ăn như rơm, dạ, thân, lá cây ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang… để dự trữ làm thức ăn cho gia súc phòng những ngày rét đậm, rét hại đột ngột gia súc không chăn thả.
Dự kiến nguồn cung thức ăn thô xanh bằng 10% trọng lượng cơ thể trâu, bò. Cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu bò như ủ chua cỏ voi, VA06, thân cây ngô… với lượng 7-10 kg/ngày, kết hợp ăn thêm cỏ xanh, rơm nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa và đảm bảo sức khỏe cho đàn trâu bò trong mùa rét, mặc áo chống rét bằng bao tải gai, chăn, bao tải dứa để giữ ấm cho trâu bò.
Đối với gia cầm, người dân cần chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa, thực hiện tốt quy trình úm cho gia cầm nhỏ, lưu ý đối với các giống gà mọc lông chậm hoặc ít lông (gà chọi, gà Mía, Đông Tảo,…) khả năng chịu lạnh kém cần có biện pháp chống rét thích hợp (che chắn chuồng tránh gió lùa trực tiếp, tăng nguồn nhiệt bằng cách bổ sung thêm bóng điện, bóng hồng ngoại; Không thả gia cầm ra vườn trong những ngày có rét đậm, rét hại.
Nguồn: nongnghiep.vn