Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý III/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 589,71 nghìn tấn, trị giá 988,44 triệu USD, tăng 89,3% về lượng và tăng 98% về giá trị so với quý II/2024, tuy nhiên, so với quý III/2023 vẫn giảm 7,2% về lượng, nhưng tăng 19,7% về giá trị.
So với quý III/2023, mặc dù sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm đáng kể, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng nhờ giá xuất khẩu thời gian qua luôn ở mức cao. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu cao su nước ta năm 2024 dự báo đạt 3 – 3,5 tỷ USD, tăng 200 – 400 triệu USD so với năm 2023.
Trong quý III/2024, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm 86,9% về lượng và chiếm 86,26% về giá trị trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.
Cụ thể, xuất khẩu cao su sang khu vực thị trường châu Á quý III/2024 đạt 512,48 nghìn tấn, trị giá 852,65 triệu USD, tăng 83,7% về lượng và tăng 93,1% về giá trị so với quý II/2024; giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 11,2% về giá trị so với quý III/2023.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 67,48% về lượng và chiếm 66,39% về giá trị trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 397,91 nghìn tấn, trị giá 656,23 triệu USD, tăng 97,6% về lượng và tăng 111,8% về trị giá so với quý II/2024, nhưng giảm 22,5% về lượng và giảm 0,7% về trị giá so với quý III/2023.
Đứng thứ hai là xuất khẩu tới thị trường Ấn Độ, chiếm 8,36% về lượng và chiếm 8,93% về giá trị trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 49,27 nghìn tấn, trị giá 88,29 triệu USD, tăng 69,8% về lượng và tăng 80,5% về giá trị so với quý I/2024, tăng 37,3% về lượng và tăng 82,3% về giá trị so với quý III/2023.
Về chủng loại xuất khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2024, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 56,41% về lượng và chiếm 57,41% về giá trị trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 332,68 nghìn tấn, trị giá 567,45 triệu USD, tăng 107,7% về lượng và tăng 121,8% về giá trị so với quý II/2024 nhưng vẫn vẫn giảm 23,9% về lượng và giảm 3,3% về giá trị so với quý III/2023.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường cao su vẫn bị chi phối bởi kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn lạc quan, căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, trong khi nhu cầu của Trung Quốc chậm lại. Tuy nhiên, giá cao su đã tăng đáng kể do nguồn cung khan hiếm bởi ảnh hưởng của thời tiết bất lợi.
Thời gian tới, nhu cầu cao su có thể tiếp tục tăng khi Trung Quốc đưa ra các gói kích thích nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Điều này đưa đến tâm lý kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt hơn, kéo theo nhu cầu về cao su cho các hoạt động sản xuất.
Trung Quốc hiện là đối tác xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, nên bất kỳ sự biến động nào của thị trường này cũng tác động lớn tới ngành cao su của Việt Nam.
Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu trong năm 2024 sẽ tăng 3,2% so với năm 2023, đạt 14,359 triệu tấn.
Trong đó, sản lượng của Thái Lan dự báo giảm 0,5%; Indonesia tăng 12,3%; Trung Quốc tăng 4,2%; Ấn Độ tăng 6%; Việt Nam giảm 2,1%; Malaysia tăng 0,6% và các nước khác giảm 0,5% so với năm 2023.
Tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 0,4% so với năm 2023, lên 15,24 triệu tấn trong năm 2024. Trong đó, Trung Quốc dự kiến tăng 3,3%; Ấn Độ tăng 3%; Thái Lan tăng 1,1%; Malaysia tăng 10,9%; Việt Nam giảm 1% và các nước khác giảm 3,7%. Với dự báo này, nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 dự kiến thiếu hụt 0,88 triệu tấn so với nhu cầu tiêu thụ.
Nguồn: nongnghiep.vn