Đổi mới để bay cao và sáng tạo để vươn xa
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề phân cấp phân quyền, Thủ tướng cho biết, đây là vấn đề lớn, đã được thảo luận nhiều lần, được triển khai trong thực tiễn. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật, 9 Nghị quyết liên quan, bổ sung, thay thế 27 Nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, tập trung chủ yếu ở trung ương.
Đưa ra giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần rà soát lại thể chế, các quy định pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, cụ thể là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn; tăng cường giám sát, kiểm tra. Phân cấp phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.
Trả lời chất vấn của đại biểu về không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, Thủ tướng cho biết, trong quá trình hoạt động, có những vấn đề mới phát sinh, hệ thống pháp luật chưa kịp cập nhật.
Những vấn đề mới phát sinh đều khó, cần huy động nguồn lực lớn, do đó cần phải tập trung hoàn thiện thể chế. Bởi thể chế là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực cho sự phát triển nên tiếp tục phải hoàn thiện thể chế này, không chỉ có phát triển xanh và tất cả các lĩnh vực phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta muốn đột phá, cũng phải đột phá từ thể chế. Trong quá trình triển khai cũng nảy sinh một số việc, do vậy cần rà soát lại, trong đó nhiệm vụ xây dựng cái thể chế để quy định cái gì được làm, cái gì không được làm, cái gì là mở rộng không gian sáng tạo. Quan điểm của Đảng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi công dân, cho doanh nghiệp, tôn trọng quyền con người trong kinh doanh, trong phát triển kinh tế – xã hội.
Vì thế, đi theo đó là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, cũng như quan hệ hành chính, nhưng cũng phải xây dựng thể chế, quy định rõ ràng. Tuy nhiên, đối với tình trạng buôn lậu, trốn thuế, thao túng, găm hàng đội giá, thao túng thị trường… thì phải xử lý.
Đối với câu hỏi về cải cách thể chế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực. Nếu cứ tăng trưởng với tốc độ 6-7%/năm như hiện nay thì rất khó đạt được mục tiêu 100 năm đã đặt ra. Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động mọi nguồn lực của nhà nước, nhân dân, xã hội, của nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Với vấn đề cơ sở lý luận, Thủ tướng cho rằng, lý luận soi đường, nhưng lý luận cũng phải dựa trên thực tiễn, vì vậy, trước hết cần tổng kết thực tiễn. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu hướng, phong trào, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, vì vậy cần có lý luận.
Muốn có lý luận thì cần tổng kết thực tiễn, để từ đó có giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Việc tổng kết cần được thực hiện cẩn trọng, cần có lộ trình để hoàn thiện thể chế một cách phù hợp và hiệu quả.
Liên quan đến xây dựng thể chế cho quản lý các hoạt động trên không gian mạng, Thủ tướng khẳng định, không gian thực như thế nào, không giản ảo như thế, do vậy, quản lý trên không gian mạng cũng như quản lý trong đời thực.
“Với tinh thần như Tổng Bí thư đã chỉ đạo là bỏ tư duy không quản lý được thì cấm. Tức là tinh thần xây dựng thể chế phải vừa phục vụ cho việc quản lý, nhưng vừa mở ra không gian đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi chủ thể đổi mới sáng tạo. Đổi mới để bay cao và sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống thiên tai
Đối với các giải pháp căn cơ, dài hạn để phòng, chống thiên tai, bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên, các diễn biến của thời tiết rất cực đoan, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, toàn diện. Do đó, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ, chung tay của toàn cầu để cùng thực hiện.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến chống biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình thực tế. Trong huy động nguồn lực, cần có nguồn lực của nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của các đối tác, nguồn vốn vay.
Hiện nay, các nguồn lực đang được ưu tiên bố trí cho vấn đề này. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị trong ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương.
Liên quan vấn đề các dự án tồn đọng kéo dài, Thủ tướng nói, với sự nỗ lực của Bộ Chính trị, của Quốc hội, của Chính phủ trong thời gian vừa qua, đến nay 12 đại dự án tồn đọng kéo dài đã cơ bản xin chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở đó, Chính phủ đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Nội dung nào vượt nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội. Chính phủ cũng sẽ rà soát các dự án tương tự, xử lý trên tinh thần tôn trọng hiện trạng, tháo gỡ những vướng mắc của pháp luật.
Liên quan việc xóa nhà tạm, nhà dột, Thủ tướng cho rằng, đây là chủ trương lớn, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo. Hiện nay, nước ta còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát, trong đó có cả những người có công với cách mạng, đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo.
Với quyết tâm rất cao xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, Thủ tướng cho rằng cần thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực.
Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”. Về huy động nguồn lực, cần đa dạng hóa nguồn lực. Lực lượng quân đội và công an cũng sẵn sàng nhân lực và nguồn lực để cùng triển khai. Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho chương trình lớn này.
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng cho biết, trong tháng 10, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) thấp hơn giới hạn quy định.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,8%, xuất siêu 23,3 tỷ USD. Đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi; chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.
Trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%.
Từ đó, đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu KTXH chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021-2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nguồn: nongnghiep.vn