12 địa phương này cụ thể là An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, TP. Hà Nội, Hà Tĩnh, TP.HCM, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ phương án sáp nhập huyện, xã của 12 tỉnh, thành.
Trong đó, với An Giang sắp xếp 2 đơn vị cấp xã để hình thành 1 phường mới. Sau sắp xếp giảm 1 đơn vị cấp xã.
Đồng Tháp, sắp xếp 4 đơn vị cấp xã để hình thành 2 đơn vị cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 2 đơn vị cấp xã.
Hà Nam, thành lập 1 thị xã trên cơ sở nguyên trạng 1 huyện (thị xã Kim Bảng) và sắp xếp 29 đơn vị cấp xã để hình thành 18 đơn vị cấp xã mới. Sau sắp xếp, giữ nguyên số lượng đơn vị cấp huyện, giảm 11 đơn vị cấp xã.
TP. Hà Nội sắp xếp 109 đơn vị cấp xã để hình thành 56 đơn vị cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 53 đơn vị cấp xã.
Hà Tĩnh sắp xếp 4 đơn vị cấp huyện và 23 đơn vị cấp xã để hình thành 3 đơn vị cấp huyện và 16 đơn vị cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 1 đơn vị cấp huyện và 7 đơn vị cấp xã.
TP.HCM sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới. Sau sắp xếp giảm 39 phường.
Phú Thọ sắp xếp 31 đơn vị cấp xã để hình thành 13 đơn vị cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 18 đơn vị cấp xã.
Quảng Ngãi sắp xếp 9 đơn vị cấp xã để hình thành 6 đơn vị cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 3 đơn vị cấp xã.
Tỉnh Quảng Trị sắp xếp 13 đơn vị cấp xã để hình thành 7 đơn vị cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 6 đơn vị cấp xã.
Sơn La thành lập 1 thị xã trên cơ sở nguyên trạng huyện (thị xã Mộc Châu) và sắp xếp 30 đơn vị cấp xã để hình thành 26 đơn vị cấp xã mới. Sau sắp xếp giữ nguyên số lượng đơn vị cấp huyện và giảm 4 đơn vị cấp xã.
Trà Vinh sắp xếp 3 phường để hình thành 1 phường mới. Sau sắp xếp giảm 2 phường.
Vĩnh Phúc sắp xếp 28 đơn vị cấp xã để hình thành 13 đơn vị cấp xã mới. Sau sắp xếp giảm 15 đơn vị cấp xã.
Như vậy, theo Bộ trưởng Trà, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 6 đơn vị cấp huyện và 361 đơn vị cấp xã để hình thành 5 đơn vị cấp huyện và 200 đơn vị cấp xã mới của 12 tỉnh, TP. Sau sắp xếp, giảm 1 đơn vị cấp huyện và 161 đơn vị cấp xã.
Đề nghị không sáp nhập 8 đơn vị cấp huyện, 258 đơn vị cấp xã
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, có 5 tỉnh, TP. Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị đề nghị không thực hiện sắp xếp 8 đơn vị cấp huyện .
Có 10 tỉnh, TP gồm Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP.HCM, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc đề nghị không thực hiện sắp xếp 258 đơn vị cấp xã.
Theo bà Trà, trong 200 đơn vị cấp xã hình thành sau sắp xếp, có 89 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn thuộc trường hợp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tại các đề án, Chính phủ đã giải trình rõ lý do không thể sắp xếp, nhập thêm với đơn vị cùng cấp liền kề khác do có yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo.
Bà Trà nêu rõ, sau sáp nhập, về số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư ở cấp huyện là 136 người, cấp xã 3.342 người. Các địa phương đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết với số dôi dư này.
Cũng theo báo cáo, cấp huyện dôi dư 9 trụ sở, cấp xã dôi dư 329 trụ sở. Các địa phương đã xây dựng phương án chi tiết để xử lý số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư theo đúng quy định.
Thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ Ủy ban cơ bản tán thành với các đề án sáp nhập cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, TP như Chính phủ trình.
Sau sáp nhập, 12 tỉnh, TP dự kiến giảm được 1/6 đơn vị cấp huyện và 161/361 đơn vị cấp xã.
Trong đó, giảm nhiều nhất là Hà Nội (53/109 đơn vị), TP.HCM (39/80 đơn vị), Phú Thọ (18/31 đơn vị) và Vĩnh Phúc (15/28 đơn vị).
Tại phiên họp, với 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua phương án sáp nhập cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố.
Thời điểm có hiệu lực thi hành của các nghị quyết là từ ngày 1/1/2025, riêng đối với nghị quyết của tỉnh Sơn La là từ ngày 1/2/2025.
Nguồn: nongnghiep.vn