Vai trò của “thủy lợi đi trước”
Việt Nam đã xây dựng được hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200ha trở lên, trong đó có 122 hệ thống vừa và lớn phục vụ trên 2.000ha, hơn 40.000km đê sông và đê biển đã được xây dựng phục vụ và bảo vệ hoạt động dân sinh, sản xuất các ngành kinh tế.
Cả nước có gần 8.000 đập và hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 68 tỷ m³ nước, góp phần điều hòa và phân bổ nguồn nước hiệu quả, trong đó các hồ thủy điện đóng vai trò quan trọng, với tổng dung tích trữ với khoảng 53,5 tỷ m³.
Tại Hội nghị Khoa học và công nghệ thủy lợi 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước (1945-2025) được Bộ NN-PTNT tổ chức vào sáng 14/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: “Thành tựu 80 năm qua của ngành thủy lợi không thể tách rời vai trò then chốt của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ đã và đang là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành. Từ những nghiên cứu cơ bản về thủy văn, địa chất công trình, vật liệu xây dựng… đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình thủy lợi, khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng tạo nên những bước tiến vượt bậc cho ngành”.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, gắn liền với những tác động của biến đổi khí hậu và việc khai thác nguồn nước thượng nguồn, các nhiệm vụ và yêu cầu của ngành thủy lợi cũng có sự thay đổi. Quan điểm phát triển của thủy lợi đang chuyển từ vai trò “đi sau” để hỗ trợ các ngành khác sang vai trò “đi trước”, căn cứ vào nguồn nước, từ đó quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội.
Về một số yêu cầu đặt ra cho ngành thủy lợi trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc triển khai, thực hiện các bản quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch thủy lợi, phòng, chống thiên tai quốc gia đã được phê duyệt là cấp thiết.
Nhân lực là yếu tố then chốt để thực hiện các nhiệm vụ mới
Theo Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong, các thành tựu khoa học công nghệ đã được áp dụng hiệu quả, điển hình như các hệ thống thủy lợi lớn như Bắc Hưng Hải, Cầu Sơn, Cấm Sơn. Những công trình này không chỉ hỗ trợ tưới tiêu mà còn đóng góp vào công tác phòng chống thiên tai, ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi cũng là một trọng tâm, với việc áp dụng công nghệ tự động trong quan trắc, dự báo và quản lý các công trình lớn như hồ Tả Trạch và Cửa Đạt. Bên cạnh đó, ngành thủy lợi hiện nay không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn đảm nhận các nhiệm vụ đa ngành, như cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước thách thức trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, Cục trưởng Cục Thủy lợi cho rằng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý thực tiễn và khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề hiện tại và dự báo tương lai.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một thách thức lớn, do khó khăn trong tuyển sinh và số lượng sinh viên ngành thủy lợi giảm dần. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành, ông Phong cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ và khuyến khích sinh viên tham gia vào ngành truyền thống này, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp thủy lợi trong tương lai.
GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết, trong Chiến lược phát triển trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhà trường đặt mục tiêu trở thành một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu, nằm trong Top 10 trường đại học hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý, đặc biệt là trong thủy lợi, tài nguyên môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhà trường cũng coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, với nhiều đề tài giá trị về quản lý nguồn nước, kiểm soát lũ lụt, xử lý xâm nhập mặn – những vấn đề cấp thiết mà đất nước đang đối mặt.
Tuy nhiên, để nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cho ngành, Đại học Thủy lợi cho rằng định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành thủy lợi trong thời kỳ mới tập trung vào đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo, không chỉ chú trọng kỹ thuật chuyên môn mà còn bám sát nhu cầu thực tiễn.
Chương trình đào tạo cần trang bị thêm các kỹ năng về phân tích dữ liệu, quản lý tài nguyên nước và xây dựng mô hình phát triển bền vững. Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua việc trao đổi kinh nghiệm và học hỏi các mô hình tiên tiến từ các quốc gia phát triển. Đặc biệt, các chương trình đào tạo tiên tiến cần tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên tham gia vào các dự án thực tế, giúp tích lũy kinh nghiệm và áp dụng kiến thức vào thực tiễn.
Các giải pháp khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng nhằm hướng tới bảo vệ toàn diện các khu vực, giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao khả năng ứng phó và xây dựng hạ tầng chống chịu tốt nhất trước tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu… Để làm được điều này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định ngoài nỗ lực chung, mấu chốt vẫn là vấn đề nhân lực.
Nguồn: nongnghiep.vn