Ngày 14/11, đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái lần thứ IV năm 2024 đã chính thức khai mạc với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, chung sức xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Dự đại hội có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và 220 đại biểu đại diện cho các dân tộc trên địa bàn.
Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Yên Bái lần thứ III, nhiệm kỳ 2019 – 2024, đã có 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tỉnh Yên Bái đã huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng vùng DTTS và miền núi được quan tâm đầu tư phát triển, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá đạt 95,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp đạt 97,6%; tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%.
Giai đoạn 2019 – 2024, đã cấp 693.608 thẻ BHYT cho người dân vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, vùng đồng bào DTTS và miền núi có 82 chợ đang hoạt động phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa. Hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện cho vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp cận nhanh với các thông tin, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có đường truyền băng rộng cáp quang; mạng di động 4G được phủ sóng trên 98,5% thôn, bản. Hiện nay, tỷ lệ người dân được nghe xem phát thanh, truyền hình đạt 99,4%…
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, với mục tiêu bao trùm, xuyên suốt là xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân”.
Vai trò của đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, có ý nghĩa to lớn, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, khát vọng của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân.
Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa, lồng ghép vào chương trình, kế hoạch hành động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS trong tình hình mới.
Trong nhiệm kỳ 2019 – 2024, tỉnh Yên Bái đã quan tâm bố trí hơn 32.000 tỉ đồng đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp đạt 97,6%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%.
Trong 5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ làm 8.617 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, bị ảnh hưởng thiên tai. Tỉ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 9,16%.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: Những thành tựu đạt được của tỉnh Yên Bái trong thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III rất đáng tự hào, là quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có đồng bào DTTS.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng và chính quyền cần thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, cần tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực dự báo, kịp thời thích ứng, phòng chống thiên tai, nhất là các vấn đề như sạt lở đấy, ngập, lụt…phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, nhanh chóng bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Chuyển hóa các di sản và bản sắc dân tộc trở thành một nguồn lực, tài nguyên cho sự phát triển bền vững. Truyền dạy cho con cháu về lòng yêu nước của cha ông, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; về đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng; về ý chí dấn thân vì cộng đồng, đất nước; luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin theo các luận điệu xuyên tạc, chống phá, chia rẽ dân tộc.
Kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa; chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc.
Nguồn: nongnghiep.vn