Chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường
Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 8/7/2024. Sự kiện được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, quy hoạch được xây dựng với các quan điểm về bảo vệ môi trường trong đó nhấn mạnh bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Quy hoạch bảo đảm tính mở và linh hoạt, phòng ngừa các vấn đề môi trường từ sớm, từ xa; hạn chế tác động của ô nhiễm đối với môi trường và sức khỏe con người.
Quy hoạch xác định các mục tiêu cụ thể được đặt ra với 4 nhóm đối tượng của Quy hoạch theo quy định về phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; khu xử lý chất thải tập trung và mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường.
Quy hoạch xác định tầm nhìn đến năm 2050, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong lành; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, đất nước phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp; bảo đảm an ninh môi trường.
Hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng
Để thực hiện các mục tiêu, định hướng, Quy hoạch xác định cụ thể nhiệm vụ cần thực hiện gồm phòng ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thúc đẩy các mô hình tăng trưởng bền vững.
Về phân vùng môi trường: thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiệm ngặt, hạn chế phát thải, bảo đảm không gây tác động đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật trên cơ sở hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường trong kỳ quy hoạch.
Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Thực hiện kế hoạch và lộ trình đối với định hướng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được nêu tại Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về các khu xử lý chất thải tập trung: Thực hiện kế hoạch và lộ trình hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại; hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp trực tiếp; đa dạng hóa các công nghệ xử lý; tận dụng chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau củ quả…) làm thức ăn gia súc, gia cầm và sản xuất phân bón hữu cơ đối với chất thải rắn sinh hoạt.
Về quan trắc và cảnh báo môi trường: Thực hiện kế hoạch và lộ trình triển khai mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh được nêu trong Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về tổ chức thực hiện, dự thảo Kế hoạch đã nêu trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nội dung triển khai Quy hoạch.
Ngoài ra, dự thảo Kế hoạch cũng đề xuất huy động đa dạng nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án triển khai Quy hoạch.
Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, để thực hiện hiệu quả Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có sự chủ động, quyết tâm vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng và mỗi người dân.
Nguồn: nongnghiep.vn