Sáng 15/11, Bộ NN-PTNT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn.
Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, nước sạch sinh hoạt tại khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ sử dụng từ các công trình cấp nước tập trung.
Cụ thể, ở những vùng khó khăn, tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt là ở các vùng miền núi, hải đảo và vùng bãi ngang ven biển, nhiều hộ gia đình vẫn phải sử dụng nguồn nước từ ao, hồ, sông suối, nguy cơ ô nhiễm cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến những hình thái khí hậu cực đoan, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cấp nước nông thôn và sự phát triển nhanh của kinh tế – xã hội cũng góp phần làm suy giảm và ảnh hướng đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước cấp.
Tính đến cuối năm 2023, cả nước có 74% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn (trong đó 55% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung và 19% số hộ sử dụng nước từ cấp nước hộ gia đình).
Trong 7 vùng, vùng đồng bằng sông Hồng có số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn cao nhất là 91,9% so với các vùng khác trên phạm vi toàn quốc. Vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất trên toàn quốc và đây cũng là những vùng có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất so với các vùng khác và so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.
Mặc dù 74% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, nhưng ở một số tỉnh, tỷ lệ này vẫn còn rất thấp. Hệ thống pháp luật về cấp nước sinh hoạt nông thôn chưa hoàn thiện, khiến việc quản lý gặp khó khăn. Tỷ lệ công trình cấp nước kém bền vững và không hoạt động vẫn cao, trong khi việc cấp nước an toàn đối mặt với thách thức từ biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế. Nguồn lực huy động cho cấp nước sạch nông thôn hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Chia sẻ những khó khăn, thực trạng cấp nước sạch của các tỉnh miền núi phía Bắc, ông Tạ Công Huy, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai đề xuất, cần sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý và vận hành các công trình cấp nước, giúp xác định chi phí quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, từ đó làm cơ sở để xây dựng phương án giá nước theo quy định.
Đại diện tỉnh Lào Cai mong muốn được tham gia các chương trình, dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ các nguồn tài trợ nước ngoài hoặc nguồn vốn do Bộ NN- PTNT quản lý, nhằm nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước bị hư hỏng sau thiên tai và khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Bên cạnh đó, bố trí ngân sách Trung ương cấp bù hoặc hỗ trợ giá nước cho các đối tượng sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung nông thôn ở các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới hoặc vùng đặc biệt khó khăn, thiếu nước như tỉnh Lào Cai.
Đại diện Sở NN-PTNT Bình Thuận chia sẻ, tỉnh hiện có 66 công trình cấp nước tập trung, trong đó, ứng dụng công nghệ lắng lamella, lọc trọng lực và rửa lọc tự động tại các trạm bơm cấp 2 để điều tiết áp lực nước, đảm bảo ổn định cho mạng lưới đường ống.
Từ năm 2006, Bình Thuận đã áp dụng ISO 9001 trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn và hiện đang sử dụng phiên bản ISO 9001:201 được chứng nhận bởi Quacert. Tỉnh cũng lắp đặt camera giám sát tại các công trình cấp nước, giúp theo dõi vận hành và đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ 24/24 giờ.
Ngoài ra, trang bị dụng cụ kiểm tra trực tiếp các chỉ tiêu nước như pH, độ đục và Clo dư, thực hiện báo cáo kết quả xử lý nước hàng ngày qua mạng nội bộ. Đồng thời, đầu tư nâng cấp phòng thử nghiệm chất lượng nước đạt tiêu chuẩn ISO 17025 cho 13 chỉ tiêu hóa lý và đang triển khai nâng cấp cơ sở hạ tầng để đạt chứng nhận VILAS cho các chỉ tiêu vi sinh.
Nguồn: nongnghiep.vn