Đưa khuyến nông về cơ sở
Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, Kiên Giang rất chú trọng công tác khuyến nông và đã thành lập hệ thống khuyến nông khá sớm. Theo ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, từ năm 1991, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định thành lập hệ thống khuyến nông tỉnh, trước khi có Trung tâm Khuyến nông Quốc gia 2 năm.
Đến năm 2004, tỉnh Kiên Giang chủ trương phát triển khuyến nông tuyến cơ sở bằng Đề án Tổ Kinh tế Kỹ thuật nông nghiệp – nông thôn xã, phường, thị trấn. Mỗi tổ được bố trí 3 nhân sự, gồm chuyên môn trồng trọt – bảo vệ thực vật, chăn nuôi – thú y và nuôi trồng thủy sản, có phòng làm việc đặt tại UBND cấp xã.
Với lực lượng khuyến nông ban đầu chỉ có 25 nhân sự, hệ thống khuyến nông Kiên Giang đã nhanh chóng tăng mạnh lên đến gần 500 người. Đây là lực lượng chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp sát cánh cùng địa phương trong tổ chức sản xuất, ra đồng cùng nông dân giám sát đồng ruộng, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi hiệu quả.
Khi Bộ NN-PTNT có chủ trương giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập hệ thống tổ khuyến nông cộng đồng ở các địa phương, tỉnh Kiên Giang cũng có những thuận lợi nhất định dựa trên nền tảng là tổ kinh tế kỹ thuật tuyến xã đã được thành lập và duy trì hoạt động trong nhiều năm qua.
Đến nay, Kiên Giang đã kiện toàn và thành lập được 116 tổ khuyến nông cộng đồng phủ kín tuyến xã trên toàn tỉnh với thành phần tham được bổ sung, mở rộng như có thêm lãnh đạo xã, cán bộ chuyên môn xã, các đoàn thể, hợp tác xã nông nghiệp…
Tham gia đắc lực vào Đề án 1 triệu ha lúa
Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” là đề án lớn, với mục tiêu tổ chức lại sản xuất, thay đổi căn bản về kỹ thuật sản xuất lúa, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Trong đó, hệ thống khuyến nông, đặc biệt là lực lượng khuyến nông cộng đồng đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện, đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang – ông Lê Văn Dũng cho biết, tổ khuyến nông cộng đồng được Kiên Giang xác định là lực lượng chính của ngành nông nghiệp tham gia đắc lực vào Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Cụ thể là tổ chức tập huấn và hướng dẫn các hợp tác xã về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, áp dụng cho vùng sản xuất trong Đề án đã được Cục Trồng trọt ban hành.
Cán bộ tổ khuyến nông cộng đồng đảm nhận vai trò truyền thông, tập huấn kỹ thuật, kết nối giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp tham gia trong Đề án. Phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ đo đạc – báo cáo – thẩm định các giải pháp giảm phát thải (MRV) trong sản xuất lúa. Với nhiệm vụ này, lực lượng khuyến nông sẽ cử cán bộ chuyên môn định kỳ xuống hợp tác xã, những điểm triển khai thí điểm Đề án để theo dõi tình hình sinh trưởng cây lúa, hướng dẫn cho hợp tác xã thực hiện quản lý nước trên đồng ruộng theo quy trình ngập – khô xen kẽ.
Cùng với đó, tiến hành đo đạc lượng khí thải theo từng chu kỳ sinh trưởng của cây lúa và báo cáo kết quả về cơ quan quản lý cấp tỉnh, cụ thể là Chi cục Trồng trọt – BVTV. Từ cơ sở này, Sở NN-PTNT và Ban Quản lý Đề án sẽ tổng hợp, báo cáo tổng kết cuối vụ về giảm lượng phát thải đối với từng cánh đồng tham gia Đề án.
Kiên Giang là một trong những tỉnh tại ĐBSCL được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chọn để thí điểm thành lập tổ khuyến nông cộng đồng. Từ 2 tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập tại xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành) và xã Mỹ Phước (huyện Hòn Đất), đến nay Kiên Giang đã có quyết định thành lập và phủ kín tất tổ khuyến nông cộng đồng ở các xã trọng điểm về sản xuất nông nghiệp.
Nguồn: nongnghiep.vn