Huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) hiện có hơn 1.100ha bưởi, trong đó bưởi đỏ khoảng 900ha, sản lượng hàng năm đạt trên dưới 17.000 tấn, giá trị 190 – 200 triệu đồng/ha.
Năm 2022, Tân Lạc đã xuất khẩu sang Anh những quả bưởi đỏ đầu tiên, từ đó bắt đầu mở lối chinh phục các thị trường khác. Toàn huyện có 11 HTX và 5 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh bưởi; 240ha bưởi được chứng nhận VietGAP, hữu cơ; 1 cơ sở sơ chế đóng gói, 6 mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu sang thị trường EU với tổng diện tích 153ha; 2 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường New Zealand với tổng diện tích 46,8ha.
Tuy nhiên vụ bưởi năm nay trên quả bưởi đỏ xuất hiện đốm đen do nhiễm nấm – đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật của châu Âu. Bởi thế, đơn xuất khẩu nhiều nhưng không thể đáp ứng được, số lượng bưởi đỏ Tân Lạc xuất khẩu dự đoán sẽ thấp.
Hiện tượng nhiễm đốm đen đã từng xuất hiện trước đây ở nhiều vùng cây ăn quả có múi ở Hòa Bình. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, cách nhận biết triệu chứng và biện pháp quản lý như sau: Bệnh đốm đen cây có múi hại bưởi là bệnh do nấm Guignaria citricarpa Kiely gây ra. Triệu chứng trên quả: Ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm tròn có kích thước khoảng 1mm xuất hiện trên vỏ của quả còn non, sau đó phát triển rộng dần ra, màu vàng nhạt, ở giữa có màu xám, nếu nặng nhiều vết bệnh hoà lẫn vào nhau tạo thành mảng lớn.
Từ các vết bệnh này sẽ xuất hiện các u nổi lên và chảy ra các giọt dịch màu vàng nâu, sau đó thành màu nâu dính trên vỏ quả (hiện tượng chảy gôm). Nếu nặng có thể làm cho vỏ quả bị chai sượng, cùi vỏ bị nứt, có màu tím đậm lỗ chỗ, vỏ quả chuyển dần sang màu vàng úa và bị rụng sớm hoặc bị chín ép. Nếu bệnh tấn công muộn khi quả đã già thì vỏ quả trở nên cứng, tép bưởi bị khô, chất lượng giảm.
Trên lá: Cũng giống như trên vỏ quả, ban đầu vết bệnh cũng chỉ là những chấm nhỏ hình tròn kích thước khoảng 1mm trên mặt của lá non, sau đó phát triển dần và chuyển thành màu vàng nhạt, ở giữa có màu xám. Trường hợp bị nhiễm nặng nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau thành những mảng lớn làm cho chỗ bị bệnh chết khô, nếu nặng lá có thể bị rụng sớm khiến cây xơ xác, còi cọc. Vết bệnh do nấm Guignaria citricarpa gây ra có thể rất giống với những triệu chứng gây ra bởi một số chủng nấm khác như bệnh thán thư, đốm vòng trên lá và quả…
Quy luật phát sinh gây hại và tác hại của bệnh: Bệnh thường phát sinh, phát triển, lây lan và gây hại nhiều trong điều kiện thời tiết ẩm thấp (ẩm độ không khí cao), vì thế bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa. Nguồn bệnh tồn tại trên những bộ phận của cây bị bệnh, sản sinh rất nhiều bào tử ở đây rồi phát tán ra xung quanh bám dính lên những cây khác, gặp điều kiện thuận lợi bào tử sẽ nảy mầm, bám rễ vào bề mặt vỏ quả thông qua các khí khổng hoặc các túi tinh dầu trên bề mặt lá, quả để gây hại.
Nguồn bệnh tồn tại trên lá và có thể tấn công gây hại từ khi quả còn non và thường rõ nhất khi quả bắt đầu giai đoạn chín có thể gây rụng quả hàng loạt.
Cần một giải pháp tổng thể để có thể quản lý bệnh nguy hại này gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhận biết về triệu chứng, tác hại và các biện pháp phòng trừ đối với bệnh đốm đen do nấm Guignaria citricarpa gây ra. Chủ động phòng trừ bệnh theo nguyên tắc phòng bệnh là chủ yếu, do đó cần tổ chức các biện pháp phòng tránh sớm, ngay từ đầu mới có hiệu quả cao.
Thường xuyên vệ sinh vườn cây, nhặt, thu gom hết các cành, lá, quả bị bệnh từ vụ trước để tiêu hủy, tránh lây lan (đốt hoặc chôn sâu cùng vôi bột). Cắt tỉa, tạo tán cho cây thông thoáng nhằm đảm bảo cho tán cây có đủ ánh sáng để sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời hạn chế sự lây lan, phát triển của bào tử nấm.
Bón phân cân đối, đủ về lượng, đúng về chủng loại, đúng lúc (không bón dư thừa đạm) kết hợp tưới nước và giữ ẩm tốt nhằm làm tăng khả năng kháng bệnh cho cây. Sử dụng các loại túi giấy chuyên để bao gói nhằm hạn chế sâu bệnh gây hại, chống được rám nắng, giữ được mã quả đẹp, chất lượng tốt.
Tuy nhiên cần lưu ý cắt góc túi để tránh bị đọng nước gây thối hỏng quả. Sử dụng các loại thuốc đặc trị trừ nấm được phép dùng, phun kỹ trên tán, đặc biệt là trên bề mặt vỏ quả ngay khi phát hiện triệu chứng bệnh, trường hợp bệnh nặng phun nhắc lại lần 2 cách lần 1 từ 7 – 10 ngày, chú ý đảm bảo thời gian cách ly.
Nguồn: nongnghiep.vn