Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã tiếp và làm việc với ông Bedu Ram Bhusal, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Nepal, nhằm trao đổi về mối quan hệ hợp tác phát triển lĩnh vực nông nghiệp hai quốc gia.
Hiện nay, hợp tác giữa Việt Nam và Nepal nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng còn hạn chế. Hai nước chưa có hiệp định thương mại tự do, đồng thời chưa có đường bay thẳng. Đến thời điểm này, 2 bên cũng chưa ký biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Năm 2019, Việt Nam và Nepal đã chính thức ký Ý định thư về việc đàm phán Hiệp định khung về thương mại và đầu tư song phương. Đây là bước đệm tạo điều kiện thuận lợi để thiết lập các cơ chế hợp tác, hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác có nhiều tiềm năng, ghi nhận dấu ấn hợp tác giữa 2 quốc gia.
Đến nay, 2 bên đã ký nhiều bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực từ du lịch đến kinh tế, ông Bedu Ram Bhusal cho rằng, đây sẽ là giai đoạn để Việt Nam và Nepal triển khai mở rộng thị trường. Đồng thời trao đổi hệ thống thông tin, khoa học công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Bởi hình thái canh tác nông nghiệp của 2 quốc gia có nhiều nét tương đồng, có thể cùng học hỏi, chia sẻ lợi thế của nhau.
Nếu thực hiện ký kết một thỏa thuận ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ mở ra một cơ chế khuyến khích doanh nghiệp 2 nước tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại. Đây sẽ là những thỏa thuận khung về mặt pháp lý tạo cơ hội tìm kiếm các cơ hội đầu tư cho Việt Nam và Nepal.
Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Nepal còn rất lớn, thế nhưng chỉ được hiện thực hóa khi cùng nhau phối hợp hành động.
Thời gian tới, Bộ NN-PTNT Việt Nam sẽ lập một nhóm công tác để xây dựng các chương trình diễn đàn song phương cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư 2 quốc gia tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của nhau, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, từ đầu năm 2006 đến nay, phía Nepal đã cử 2 đoàn sang học tập kinh nghiệm tại Việt Nam. Thời gian tới, 2 bên sẽ tăng cường trao đổi đoàn, thúc đẩy nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh thương mại nông sản. Đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh, không cạnh tranh lẫn nhau với giá cả và chất lượng phù hợp với sức mua và thị hiếu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Nepal mong muốn tìm hiểu cơ hội và thiết lập cơ chế hợp tác kỹ thuật bao gồm: trao đổi thông tin về nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp, tập trung vào giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch. Đặc biệt đi sâu vào một số sản phẩm mà 2 bên cùng quan tâm như: gạo, rau quả và các sản phẩm chăn nuôi.
Bộ NN-PTNT Việt Nam cũng mong muốn, Nepal sẽ tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp thúc đẩy hơn nữa trao đổi, kinh doanh nông sản giữa 2 nước và thông qua nước thứ 3. Song song là hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác hoạch định, đầu tư, chế biến nông sản, quản lý đất đai và phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hiện, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam – Nepal còn ở mức khiêm tốn, dưới 100 triệu USD/năm và không ổn định qua các năm. Riêng năm 2022 đạt mức 76,5 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nepal đạt kim ngạch 75,3 triệu USD và nhập khẩu từ Nepal đạt 1,2 triệu USD.
Các sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Nepal chủ yếu là gạo, tiêu, điều, cao su và các sản phẩm từ chăn nuôi.
Nguồn: nongnghiep.vn