Đã làm, phải làm lớn
Tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT) đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) hỗ trợ nông dân trong dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” kể từ năm 2021. Nhờ đó, từ một loạt vườn trồng mang mang tính tự phát, nơi đây đã phát triển thành vùng sản xuất rau tập trung trong nhà lưới, cung cấp sản phẩm cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.
Dự án thúc đẩy nông nghiệp thông minh được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ tại Việt Nam và Uzbekistan. Trong khi diện tích các nhà lưới ở Uzbekistan chỉ từ 300 – 500m2 thì ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Rau quả đã chủ động làm việc, trao đổi và thuyết phục FAO đầu tư vào các nhà màng có quy mô lớn hơn, từ 1.500 – 2.000m2.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, đó không chỉ là quyết định chiến lược mà còn dựa trên thực tế khả năng và nhu cầu của người dân Mộc Châu.
Theo TS Hùng, ban đầu, các chuyên gia quốc tế cho rằng người dân Mộc Châu khó có thể tiếp cận và áp dụng hiệu quả công nghệ mới ở quy mô lớn. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm làm việc với Viện trong các dự án quốc tế, nông dân nơi đây đã làm quen với các kỹ thuật sản xuất rau ứng dụng công nghệ. Ở Mộc Châu đã có sự manh nha hình thành vùng trồng rau quả tập trung.
“Người Mộc Châu sẵn sàng đổi mới. Họ có khả năng tiếp nhận nông nghiệp thông minh để cải thiện hiệu quả sản xuất. Quan điểm của Viện Nghiên cứu Rau quả là nếu chỉ đầu tư nhà màng nhỏ, hiệu quả kinh tế sẽ thấp, lợi nhuận không đủ hấp dẫn để thu hút họ tham gia dự án”, TS Hùng khẳng định và phân tích, điều mà nông dân thực sự cần là công nghệ và kỹ thuật sản xuất hiện đại. Bởi đây mới chính là chìa khóa để xây dựng vùng sản xuất tập trung hiệu quả và bền vững.
Đồng thời, trồng trọt quy mô nhỏ lẻ không thể đáp ứng mục tiêu xây dựng vùng sản xuất theo hướng tập trung, hàng hóa. Trong bối cảnh đó, mô hình sản xuất rau an toàn trong các nhà màng lớn là cần thiết nhằm đầu tư đồng bộ trang thiết bị và tìm kiếm các kênh phân phối phù hợp.
Sau thời gian đàm phán, đội ngũ chuyên gia và cán bộ quốc tế cũng dần nhận thấy giá trị của phương án này và đồng ý điều chỉnh hướng đầu tư, mở ra cơ hội mới cho nông dân Mộc Châu. Đến thời điểm hiện tại, các hộ sản xuất lớn tham gia dự án đã đạt hiệu quả cao hơn rõ rệt.
“Đòn bẩy” cho canh tác bền vững
Những năm trước, nông dân Sơn La chủ yếu tận dụng lợi thế đất đai rộng lớn và áp dụng phương thức canh tác truyền thống. Tuy nhiên, khi diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp, nông nghiệp thông minh trở thành hướng đi tất yếu giúp nâng cao năng suất, tối ưu hóa vùng trồng và giảm tác động tới môi trường.
Điểm lại hành trình 3 năm triển khai dự án, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng cho hay, ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới giúp khả năng quản lý dinh dưỡng và dịch hại hiệu quả hơn, tạo ra những sản phẩm rau an toàn, chất lượng ổn định.
Sản xuất rau trong nhà lưới còn đem lại nhiều lợi ích vượt trội nhờ khả năng kiểm soát những bất lợi từ môi trường như nhiệt độ và ánh sáng. Cụ thể, khi cường độ ánh sáng quá lớn, nông dân được tập huấn sử dụng lưới cắt nắng để bảo vệ cây trồng. Các thiết bị quản lý sâu bệnh hại được cán bộ dự án lắp đặt trong nhà lưới, ngăn chặn sinh vật gây hại trong mùa mưa ẩm ướt.
TS Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: “Một điểm quan trọng trong thành công của dự án chính là việc kết hợp hài hòa giữa công nghệ sẵn có trong nước và các tiến bộ kỹ thuật từ các chuyên gia quốc tế. Các giải pháp này đã được điều chỉnh phù hợp với điều kiện tự nhiên của Mộc Châu, giúp tối ưu hóa hiệu quả sản xuất”.
Nguồn: nongnghiep.vn