Bắt trúng bệnh, trị đúng thuốc
Thời gian gần đây, trên địa bàn Bình Dương thường xảy ra ngập úng cục bộ ở nhiều khu vực mỗi khi trời mưa, nhất là các tuyến đường giao thông huyết mạch như Quốc lộ 13, ĐT 743…
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương đã đạt 85%, cao gần gấp đôi mức trung bình cả nước (42 – 43%). Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn lên hệ thống thoát nước. Sự gia tăng nhanh chóng của các khu công nghiệp và đô thị khiến hệ thống thoát nước chưa đáp ứng kịp với điều kiện thời tiết cực đoan.
Nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại, UBND tỉnh Bình Dương đề ra nhiều giải pháp, tập trung đẩy nhanh thi công, đưa vào hoạt động kênh T4, kênh T5B (TP Dĩ An). Song song đó, dự án đầu tư giải quyết điểm ngập đoạn ngã ba Cống đường Thích Quảng Đức cũng đã đạt trên 80% khối lượng và giảm ngập đáng kể khu vực ngã ba Cống…
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương triển khai xây dựng cống Bình Nhâm (TP Thuận An) có vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng cùng với hệ thống cống, đê bao An Sơn – Lái Thiêu dài khoảng 12,7km (ven sông Sài Gòn) có nhiệm vụ ngăn lũ, triều cường và xả lũ hồ Dầu Tiếng để chống ngập cho toàn bộ vùng rộng 2.690ha. Công trình tiếp nhận tiêu thoát nước từ lưu vực thoát nước của dự án trục thoát nước Chòm Sao – Suối Đờn với diện tích 1.596ha.
Theo ghi nhận, nhờ các công trình chống ngập đã giúp người dân Bình Dương thoát cảnh ngập úng nặng như trước đây. Đơn cử, vào ngày 18/10 vừa qua, tỉnh Bình Dương ghi nhận triều cường lập đỉnh 1,8m, trở thành đỉnh triều cao nhất từng được ghi nhận tại địa phương. Cùng với triều cường, lượng mưa lớn lên đến 100mm tại một số khu vực đã gây ra tình trạng ngập. Tuy nhiên, so với những năm trước, mức độ thiệt hại giảm đã nhiều.
Cùng với các công trình hiện hữu, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục triển khai thực hiện 4 cống kiểm soát triều còn lại trên địa bàn TP Thuận An với tổng kinh phí dự kiến 1.364 tỷ đồng, trong đó có cống kiểm soát triều rạch Bà Lụa – Vàm Búng, cống kiểm soát triều rạch Lái Thiêu – Vĩnh Bình.
Ngoài ra, nhằm xử lý nhanh các điểm ngập, Bình Dương đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống trục thoát nước khu vực; dự án hệ thống tiêu nước Khu công nghiệp Sóng Thần – Đồng An và vùng phụ cận; dự án hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp; dự án trục thoát nước Chòm Sao – Suối Đờn dài khoảng 11,5km kênh bê tông; cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước Bình Hòa.
Đặc biệt, với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, dự án chống ngập suối Cái – Thợ Ụt được kỳ vọng sẽ giải quyết hoàn toàn tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra tại khu vực trung tâm TP Tân Uyên và các khu vực lân cận.
“Việc hoàn thành dự án sẽ góp phần xóa bỏ hoàn toàn điểm ngập lụt, cải thiện môi trường sống và cảnh quan. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực. Đây cũng là cơ hội để vùng đất trũng này ‘thay áo mới’, góp phần nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương,” ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP Tân Uyên chia sẻ.
Tiếp tục triển khai các giải pháp chống ngập
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và ngập úng, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tập trung vào các giải pháp chống ngập và tiêu thoát nước. Nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai để giảm thiểu thiên tai và bảo vệ cuộc sống người dân.
Theo Ban Quản lý dự án ngành NN-PTNT tỉnh Bình Dương (Ban QLDA), trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của tỉnh, Ban được giao triển khai thực hiện 16 dự án với mục tiêu giải quyết các điểm ngập trên địa bàn tỉnh.
“Để sớm hoàn thành các dự án, phát huy hiệu quả chống ngập, tiêu thoát nước, giải quyết các điểm ngập góp phần phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, Ban đề nghị UBND các huyện, thành phố có các dự án đi qua tập trung giải quyết dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để tổ chức thực hiện sớm hoàn thành dự án”, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Ban QLDA đề nghị.
Song song đó, để nâng cao khả năng dự báo và ứng phó với biến đổi khí hậu, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (Trung tâm IOC) đã tích hợp hệ thống giám sát camera tại các trục đường và khu vực quan trọng.
Hệ thống này giúp quản lý và cảnh báo kịp thời các vấn đề như an toàn giao thông, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, bão và ngập lụt, hỗ trợ cơ quan chức năng đưa ra giải pháp hiệu quả. Ngoài ra, IOC còn tích hợp hệ thống giám sát toàn diện việc xả thải của các khu công nghiệp, theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ quy định về môi trường 24/24, xử lý kịp thời vi phạm, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
“Thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào quản lý hạ tầng đô thị, gia tăng khả năng dự báo, cảnh báo và điều chỉnh hành động phù hợp trước các tình huống thời tiết cực đoan, góp phần xây dựng đô thị thông minh và bền vững”, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Theo các chuyên gia ngành thủy lợi, hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu đến nước ta nói chung và Bình Dương nói riêng đang đi theo chiều hướng cực đoan, dẫn đến mưa nhiều hơn, triều cường ngày càng lên cao và ngập lụt ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi Bình Dương phải có giải pháp ứng phó bền vững.
Do đó, tỉnh cần xây dựng một chiến lược phát triển đồng bộ nhằm đối phó với các thách thức, nhất là quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước, cải thiện năng lực phòng, chống thiên tai, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, bên cạnh giải pháp công trình, về chiến lược chống ngập lâu dài, Bình Dương cần phải xây dựng được các biện pháp phi công trình. Theo đó, biện pháp phi công trình hữu hiệu có thể kể đến là việc xây dựng các bản đồ ngập lụt và bản đồ quản lý rủi ro do ngập, để có biện pháp phòng tránh khi ngập lụt và vấn đề thứ hai là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc không xả rác bừa bãi làm tắc cống thoát nước cũng như kênh rạch, từ đó giúp Bình Dương hạn chế được tình trạng phố biến thành sông mỗi khi triều cường lên hay mưa lớn bất chợt.
Theo dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, thiệt hại từ thời tiết cực đoan có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm vào năm 2050. Trong tương lai, Bình Dương cần những chiến lược ứng phó kiên quyết và hiệu quả hơn.
Nguồn: nongnghiep.vn