Thôn xóm vắng lặng sau lũ bão
Chúng tôi trở lại thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) vào buổi chiều một ngày đầu tháng 11. Luồn lách qua gần 3km đường bê tông từ trung tâm xã để đến nơi đã xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng hồi tháng 9 cướp đi sinh mạng của 9 người. Xóm Đông Ruốc nằm ẩn khuất giữa những ngọn đồi xanh mướt, chìm trong không gian tĩnh mịch, vắng lặng. Cả xóm vốn đã yên ả, nay càng trở nên vắng lặng hơn.
Trước mắt chúng tôi, một khung cảnh tan hoang vẫn còn hiện hữu, một vạt đồi lớn loang lổ do sạt lở, phía dưới cây cối đổ ngổn ngang, những ngôi nhà bị vùi lấp sâu trong đống đất đá, cả cánh đồng rộng phía dưới vẫn phủ đầy đất đỏ ngầu. Đoạn đường bê tông dẫn vào xóm bị vùi sâu dưới lớp đất dày từ 4 – 5 mét, chính quyền địa phương mới rải đá lên trên để cho bà con đi lại tạm.
Ngôi nhà của anh Hoàng Văn Tiện nằm cách khu vực đồi sạt lở vài chục bước chân, diện tích ao vườn phía trước nhà đã bị lũ bùn quét sạch. Gia đình anh Tiện thuộc diện phải di dời khẩn cấp, vì vậy ngôi nhà sàn to đẹp khang trang vẫn đứng vững nhưng phải đóng cửa di tản đi ở nhờ.
Anh Tiện buồn bã chia sẻ, cả khu xóm Đông Ruốc (thôn Át Thượng) có hơn chục nóc nhà, điều kiện kinh tế của người dân ở đây thuộc diện khá giả với những ngôi nhà sàn bề thế theo truyền thống của người Tày. Chỉ 2 tháng trước, khung cảnh nơi đây yên bình, trù phú với những ngôi nhà sàn nằm ven con đường bê tông, phía sau dựa vào sườn đồi từ trên xuống dưới theo kiểu bậc thang. Mỗi ngôi nhà đều có vườn cây, ao cá phía trước. Còn phía dưới làng là cánh đồng lúa xanh tươi đang thời kỳ trỗ bông, mang theo hi vọng vào một vụ mùa bội thu, ấy vậy mà sau trận lũ quét chỉ còn đống bùn đất đỏ ngầu.
Đêm hôm đó, trời mưa xối xả, sau một tiếng nổ lớn, một phần quả núi cao sạt xuống kéo theo hàng vạn m3 đất bùn và cây cối tạo nên trận lũ quét cuốn phăng đi những ngôi nhà phía dưới. May mắn, nhà anh Tiện không nằm trong vùng sạt lở, 2 vợ chồng anh lao ra khỏi nhà, trong ánh đèn pin mập mờ thấy mọi thứ trước mắt thật khủng khiếp, những ngôi nhà hàng xóm đã bị vùi lấp.
Trong nguy nan, anh Tiện và một số người dân trong xóm đã kịp thời cứu sống 3 bà cháu đang bị đất vùi đến ngang người. Còn những người xấu số khác, nhiều ngày sau các lực lượng mới tìm thấy thi thể bị vùi lấp sâu trong bùn đất lầy lội.
Nguôi ngoai đau thương, ổn định cuộc sống
Khung cảnh xóm làng thanh bình giờ đây đã thay đổi hoàn toàn, chỉ còn lại những đống đổ nát, hoang tàn. Trên một mỏm đất cao, những bông hoa cúc vàng và những nén hương tàn thể hiện sự tiếc thương của người ở lại với các nạn nhân xấu số. Không khí u ám, tang thương vẫn bao trùm cả khu vực. Sau những ngày vật lộn với nỗi đau mất mát, các gia đình còn lại trong xóm đang cố gắng dựng lại cuộc sống từ những gì còn sót lại. Mùi đất ẩm, bùn lầy vẫn còn ám đọng trong khu vực, một số gia đình trong xóm còn ám ảnh nên đóng cửa đi nơi khác ở nhờ người thân.
Anh Hoàng Văn Quế, Trưởng thôn Át Thượng cho biết, các hộ dân sập nhà và nằm trong khu vực nguy hiểm đã chuyển đến nhà người thân hoặc dựng lán tại sân nhà văn hóa thôn để ở tạm. Nhờ có sự động viên, giúp đỡ của chính quyền và các nhà hảo tâm, người dân trong thôn đang dần nguôi ngoai với những đau thương, mất mát để ổn định lại cuộc sống.
Những hộ dân mất nhà và phải di dời đang được chính quyền bố trí đất ở mới an toàn hơn, ngoài ra họ sẽ được hỗ trợ tiền để dựng lại nhà ở. Một số hộ dân sẽ được Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng) xây dựng nhà ở tại khu tái định cư tập trung trong thời gian tới. Hiện nay, người dân đã bắt đầu ổn định lại sản xuất.
Bố trí tái định cư, làm nhà ở cho người dân
Lục Yên là một trong những địa phương tổn thất nặng về người và tài sản trong đợt mưa lũ do bão số 3 vừa qua. Toàn huyện có 14 người chết, 6 người bị thương, 75 ngôi nhà bị sập đổ và 33 nhà bị hư hỏng nặng. Ngoài ra còn thiệt hại trên 1.000ha cây trồng nông, lâm nghiệp; nhiều công trình công cộng như hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sạch, giáo dục, y tế, điện… bị ảnh hưởng.
Mặc dù gặp những tổn thất nặng nề, nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền và cộng đồng, người dân trong huyện Lục Yên đang từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình đã có thể quay trở lại sản xuất, cải thiện thu nhập. Những mái nhà vững chãi, những nụ cười hy vọng đang dần thay thế hình ảnh tan hoang sau cơn bão.
Ông Đoàn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết, ngay sau bão, huyện đã khẩn trương huy động các lực lượng tại chỗ tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình có người chết mai táng và khắc phục hậu quả, khẩn trương ổn định đời sống. Việc hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình có người chết, bị thương, nhà sập đổ hoàn toàn và nhà hư hỏng nặng đã thực hiện xong với tổng số tiền hơn 5,8 tỷ đồng.
Đối với hộ dân có nhà ở bị sập đổ hoàn toàn, huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá từng hộ dân để có phương án khắc phục cụ thể, qua đó tạo điều kiện và hỗ trợ 24 hộ cải tạo đất ở, hạ mái ta luy để làm nhà ở vị trí cũ. Thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất cho 16 hộ để tự tái định cư; bố trí xen ghép 22 hộ trong khu dân cư an toàn; di chuyển 13 hộ vào khu tái định cư tập trung. Đến nay đã có 42 hộ dân khởi công làm nhà ở mới.
Ngoài ra, huyện đã đề xuất với cấp trên hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 khu tái định cư tập trung tại thôn Át Thượng (xã Minh Xuân) với diện tích khoảng 2,78ha, bố trí cho khoảng 52 hộ dân, mức đầu tư 35 tỷ đồng và khu tái định cư tại thôn Khe Bín (xã Tân Phượng) với diện tích gần 1,2ha cho 25 hộ dân, mức đầu tư 15 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại khu tái định cư thôn Át Thượng, Quân khu 2 sẽ đầu tư xây dựng mới 35 căn nhà, theo kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày, diện tích xây dựng khoảng 72m2, diện tích sử dụng 144m2/căn nhà). Hiện nay, huyện đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Quân khu 2 để triển khai xây dựng.
Lục Yên là nơi chứng kiến nỗi đau từ thiên tai, nhưng cũng là nơi ngập tràn tình yêu thương và sự sẻ chia. Dù cơn bão số 3 đã đi qua, nhưng những giá trị nhân văn từ cộng đồng, những tấm lòng hảo tâm vẫn luôn ở lại, tiếp sức cho người dân nơi đây vượt qua gian khó và xây dựng lại cuộc sống.
Nguồn: nongnghiep.vn