Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một luật chuyên ngành nên ngoài ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội, ban soạn thảo cần tiếp thu, ghi nhận thêm ý kiến chuyên gia, pháp luật chuyên ngành và nhà khoa học để cân nhắc kỹ lưỡng nội dung trước khi hoàn thiện.
Đối với dự thảo và tờ trình của Bộ Tài chính, bà Thanh cơ bản đồng tình với quan điểm và cách đặt vấn đề. Thuế tiêu thụ đặc biệt ở nhiều nước trên thế giới thường áp dụng cho các sản phẩm hàng hóa có hại cho sức khỏe, môi trường hoặc các mặt hàng xa xỉ, nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng và đóng góp cho thu ngân sách nhà nước.
Việt Nam cũng đang theo xu hướng chung này của thế giới. Tuy nhiên, lãnh đạo Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ và đánh giá kỹ lưỡng hơn về dự thảo, bởi có những sản phẩm vừa đóng góp thu ngân sách nhà nước, vừa phục vụ nhu cầu người dân, vừa thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người.
Về đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất 10%, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu. Đây không phải nguyên nhân duy nhất gây ra bệnh thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sản phẩm này cũng không tốt cho sức khỏe.
“Có ý kiến báo cáo thẩm tra, nêu nguyên nhân gây thừa cân béo phì không phải tất cả đều từ nước giải khát có đường. Thực tế, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh hay đưa ra tỷ lệ phần trăm mắc một số bệnh khi thường xuyên dùng nước giải khát có đường”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, bà nêu quan điểm, nên đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng cần có lộ trình thời gian và lộ trình đánh thuế phù hợp để doanh nghiệp, người dân có điều kiện làm quen, chuẩn bị. Đồng thời, bảo đảm hài hòa hoạt động sản xuất nước giải khát trong nước.
Nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc, xem xét và đánh giá thêm tác động của việc áp thuế đối với nước giải khát có đường trong mối quan hệ lợi ích của người tiêu dùng.
“Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường thực chất là ‘đánh’ vào người tiêu dùng, ở đây là nhóm đối tượng là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa”, bà Hiền nói.
Cũng theo đại biểu này, Việt Nam là đất nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, nhu cầu giải khát của người dân rất lớn. Trong đó, một phần đáng kể là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp.
Đối với nhóm đối tượng này, cũng như người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa… nhu cầu sử dụng các thực phẩm ngọt khá phổ biến, đặc biệt là các gia đình sống tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc dẫn chứng báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cuối năm 2023. Theo đó, một số quốc gia như Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Philippines đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì vẫn tiếp tục tăng.
Ngược lại, các quốc gia khác như Nhật Bản, Singapore hay Trung Quốc không áp dụng chính sách thuế này thì tỷ lệ thừa cân, béo phì lại được kiểm soát tốt. “Công cụ thuế này chưa chứng tỏ được sự hiệu quả trong việc làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, đặc biệt là khi các đối tượng tiêu dùng mặt hàng nước giải khát có đường phần lớn là trẻ em”, bà Dung nhận xét.
Nguồn: nongnghiep.vn