Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả, có 422 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 88.1% tổng số), có 413 đại biểu tán thành (bằng 86.22% tổng số), có 6 đại biểu không tán thành (bằng 1.25% tổng số), có 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.63% tổng số).
Liên quan tới nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc. Trong những năm qua, Nhà nước đã bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, tuy nhiên kết quả chưa đáp ứng yêu cầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất của Chính phủ về quy định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa và được đa số đại biểu nhất trí.
Việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa là cần thiết, tạo cơ chế huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực xã hội hỗ trợ một số hoạt động cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguồn tài chính của quỹ sẽ được hình thành dựa trên viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, hoạt động biếu, tặng từ các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và một số nguồn tài chính hợp pháp khác.
Đặc biệt, ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của quỹ.
Để bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện theo hướng quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định, như Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để xem xét, quyết định có hay không thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương.
So với luật hiện hành, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nhiều điểm mới. Trong đó, quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan.
Quy định chính sách của nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Mục tiêu của luật sửa đổi là tạo cơ sở cho việc hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cũng trong chiều 23/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Nghị quyết sẽ giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có biện pháp điều tiết phù hợp, góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập hiện tại của đại bộ phận người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, nghiên cứu giải pháp dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo “sốt” giá.
Nguồn: nongnghiep.vn