Sắc màu tương phản
Ngày 23/11 tại Nghệ An, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã tổ chức Hội nghị bàn về phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung Bộ.
Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương thông tin, đến hết tháng 10/2024 toàn vùng có 80,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đứng thứ tư trong cả nước, sau Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửa Long; mỗi xã đạt bình quân 17,6 tiêu chí (cả nước là 17,3 tiêu chí); 22% số xã NTM nâng cao (cả nước là 27%); 4,4% số xã NTM kiểu mẫu (cả nước là 5,7%).
Cả vùng có 40 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, dẫn đầu là Thanh Hóa (14 đơn vị), Hà Tĩnh (11), Nghệ An (10)…, trong vùng có 2 huyện NTM nâng cao của cả nước (Thọ Xuân và Yên Định của tỉnh Thanh Hoá).
Bên cạnh đó, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cũng được chọn để thực hiện Đề án Xây dựng trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025; tỉnh Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.
Những số liệu chân thực cho thấy quá trình triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới tại Bắc Trung Bộ đã thu về nhiều tín hiệu khả quan, diện mạo nông thôn nơi đây đã được nâng tầm thấy rõ.
Dù vậy chừng đó vẫn chưa thể khỏa lấp đi những tồn tại, hạn chế, rõ nhất là sự chênh lệch, phát triển không đồng đều của các địa phương. Đơn cử như huyện Quảng Bình chưa có đơn vị được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hay như huyện Mường Lát (Thanh Hóa) tìm mỏi mắt vẫn chưa thấy xã… cán đích.
Trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước phân bổ ngày một hạn chế, đòi hỏi các địa phương phải tự vươn lên, với khu vực nông thôn nhất thiết phải xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng các vùng nguyên liệu lớn. Tín hiệu tích cực đã có nhưng chưa thỏa mãn, đáp ứng được nhu cầu đặt ra.
Thực tế, nhiều vùng người dân chưa biết cách khai thác tối đa tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng để nâng cao hiệu quả kinh tế, kéo theo giá trị sản xuất bình quân toàn vùng thấp hơn cả nước.
Có thể ví Nghệ An là lát cắt thu nhỏ của vùng Bắc Trung Bộ, tỉnh này có 320/411 xã đạt chuẩn NTM (đạt 77,8%); có 101 xã đạt chuẩn nâng cao; có 16 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; có 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.
Theo ông Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, quá trình xây dựng nông thôn mới phụ thuộc vào nhiều nguồn lực như (nhân lực, tài chính, tài nguyên, khoa học và công nghệ…), trong đó nhân lực đóng vai trò quyết định, là yếu tố cấu thành quan trọng nhất của lực lượng sản xuất, quyết định sức mạnh của mỗi địa phương và sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành. Thực tế cho thấy đội ngũ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh và cấp huyện có trình độ Đại học và sau Đại học với đa dạng ngành nghề được đào tạo, có thời gian, kinh nghiệm công tác, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn khi thực hiện nhiệm vụ.
Việc này hoàn toàn trái ngược ở khu vực miền Tây xứ Nghệ, nhất là cấp thôn, bản. Dù thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nhưng khả năng lĩnh hội còn hạn chế, số đông vẫn chưa thoát khỏi tư duy lối mòn, lạc hậu. Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa cao, nhiều tiêu chí đạt, hoặc chưa bền vững một phần từ đây mà ra.
Nâng tầm nhân lực nông nghiệp
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung Bộ được Trung ương, địa phương quan tâm thông qua các cơ chế, chính sách mới. Bằng chứng, từ năm 2021-2024 các tỉnh, huyện đã tổ chức tổng cộng gần 900 lớp bồi dưỡng tập huấn cho khoảng 43.000 lượt học viên. Ngoài ra việc trang bị kiến thức, chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế cho người dân và cộng đồng cũng được thúc đẩy, lan tỏa trên diện rộng.
Chất lượng nguồn nhân lực đã được nâng lên nhưng vẫn cách xa yêu cầu cấp thiết của chương trình. Qua khảo sát nhiều lĩnh vực thiếu hụt cán bộ có trình độ chuyên môn quản lý, đội ngũ báo cáo viên đa phần chưa qua các lớp đào tạo chính quy, thành thử phương pháp truyền đạt chưa phù hợp.
Trước yêu cầu ngày càng cao của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ các cấp và người dân. Từ nhu cầu cấp thiết, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ xác định lộ trình cụ thể như sau: Năm 2025 tổ chức khoảng 50 lớp tập huấn cấp tỉnh, khoảng 150 lớp tập huấn cấp huyện; giai đoạn 2026-2030 con số này tăng lên 270 lớp cấp tỉnh, 950 lớp cấp huyện.
Nguồn: nongnghiep.vn