Công nghệ chiếu xạ thực phẩm là bước tiến đột phá trong việc bảo quản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công nghệ này giúp tiêu diệt hiệu quả các vi khuẩn, nấm mốc, côn trùng gây hại, cũng như kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm.
Nhà máy chiếu xạ tại Hậu Giang có công suất 1.000 tấn/ngày đêm với khả năng chiếu xạ nhanh chóng tất cả các mặt hàng trái cây tươi hoặc chế biến, hàng thủy hải sản, gạo, các loại bột, thức ăn thú cưng, thiết bị y tế, dược liệu… bằng 2 đầu chiếu độc lập là E-beam và X-ray trên máy gia tốc Rhodotron TT300 Duo Lines.
Nhà máy chiếu xạ có ưu điểm không sử dụng nguồn phóng xạ, đảm bảo dư lượng chất phóng xạ trong sản phẩm; hệ thống truyền tải hàng tự động, đáp ứng tất cả kích cỡ thùng hàng mà không làm ảnh hưởng đến bao bì sản phẩm.
Khu vực nạp – dỡ và buồng chiếu được giữ mát ở 5 độ C; phần mềm định lượng có thể tính toán và điều chỉnh linh hoạt liều chiếu cho từng loại hàng hóa khác nhau.
Ngoài ra, liên thông với hệ thống kho lạnh là kho bảo quản mát với sức chứa 23.000 pallets, có khả năng giữ cho hàng hóa được bảo quản tốt nhất với 15 cửa xuất nhập.
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, hệ thống chiếu xạ tại Hậu Giang hiện đại bậc nhất, với khả năng xử lý nhanh gấp 3 lần công nghệ cũ.
Đây là minh chứng rõ ràng cho sự đổi mới, đáp ứng tốt mọi yêu cầu của doanh nghiệp. Thông qua chuỗi dịch vụ toàn diện từ sản xuất, sơ chế, chiếu xạ, bảo quản đến vận chuyển và thông quan, nhà máy chiếu xạ không chỉ giúp các doanh nghiệp tối ưu thời gian và chi phí logistics mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe.
Ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics cho biết, trong năm 2024, doanh nghiệp đã hỗ trợ tích cực cho nông sản xuất khẩu như cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc, tuân thủ quản lý chất lượng dịch vụ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế FSSC 22000, HACCP… Đặc biệt, Hạnh Nguyên Logistics được đề cử trong danh sách các kho lạnh bảo quản thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU.
Việc đưa vào vận hành nhà máy chiếu xạ tại tỉnh Hậu Giang sẽ hỗ trợ cho các nhà máy, doanh nghiệp nông thủy sản xuất khẩu khu vực ĐBSCL tiết kiệm nhiều chi phí trong khâu chế biến và xuất khẩu, nhất là chi phí logistics, tạo ra các thế mạnh giúp nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, ông Hoài nhìn nhận, đâu đó vẫn còn những điểm nghẽn, thách thức cần được giải quyết khi muốn hoàn thiện và phát triển chuỗi logistics dành cho nông sản. Do đó ông mong muốn có sự chung sức từ các cơ quan quản lý, ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp logistics… cùng tìm ra giải pháp tối ưu phát triển lĩnh vực logistics cho nông sản xuất khẩu một cách bền vững và hiệu quả.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay Hoa Kỳ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn và yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm. Do đó, nông thủy sản Việt Nam cần phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của quốc gia này, trong đó có quy định về chiếu xạ sản phẩm nhập khẩu. Việc xây dựng nhà máy chiếu xạ tại tỉnh Hậu Giang sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu thuận lợi cho các loại nông thủy sản Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, nhất là ngành hàng trái cây.
Hiện nay, Cơ quan Kiểm dịch Động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đã chấp nhận cho Việt Nam xuất khẩu chính thức 8 loại trái cây là thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài, bưởi, dừa tươi gọt vỏ. Sắp tới sẽ có thêm trái chanh dây và một số loại trái cây khác.
10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 287 triệu USD, tăng 135% so với năm 2023. Ngoài thị trường Hoa Kỳ chấp nhận hàng hóa xử lý chiếu xạ trước khi xuất khẩu còn có Úc, New Zealand với kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 100 triệu USD.
Nguồn: nongnghiep.vn