Đó là nhận định của ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trước khi chuẩn bị cho Festival muối vào tháng 3/2025 tại Bạc Liêu.
Đâu là giải pháp phù hợp để nâng cao giá trị hạt muối?
Thấu cảm được nỗi nhọc nhằn, vất vả từ nghề muối, bà con diêm dân vùng chuyên canh muối ở 2 huyện Hoà Bình và Đông Hải, đã đưa ra nhiều kiến nghị để ngành chức năng chọn lựa, vạch ra lộ trình phù hợp để đầu tư hạ tầng nhằm phát triển nghề muối theo hướng bền vững và không còn tình trạng “giá muối do thương lái quyết định” như lâu nay.
Anh Huỳnh Văn Toàn, diêm dân xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải trăn trở, hạt muối làm ra đã khó đến vụ thu hoạch chưa hết vui mừng thì bị thương lái ép giá. Dù ấm ức nhưng anh Toàn cũng như bao diêm dân khác đành phải ngậm ngùi bán tháo cho thương lái. Với họ cùng chung tâm trạng là bán được đồng nào hay đồng ấy, chứ trữ lại theo cách tạm thời là che đậy cao su sẽ càng làm cho sản lượng muối bị hao hụt.
Ngẫm lại, anh Toàn cho rằng, bởi nghèo không đủ điều kiện đầu tư kho bãi trữ nên đành chấp nhận, với những hộ khá giả, vào vụ thu hoạch đâu ai bán liền, họ đưa vào kho trữ rồi chờ khi giá cao sẽ xuất bán. Nhờ đó, họ giàu lại càng giàu thêm.
“Hạ tầng giao thông, kho bãi là vấn đề rất cần được nhà nước quan tâm để nghề làm muối được phát triển hơn. Đường sá thông thương, xe cộ ra tận ruộng thì diêm dân chúng tôi tiết kiệm được nhiều chi phí lắm. Ở đây ai cũng biết, những ruộng muối thuận đường vận chuyển thì bán được cao giá hơn những ruộng ở sâu bên trong, điều kiện vận chuyển khó khăn. Mong ước của người dân chúng tôi là chính quyền đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư để xây dựng kho bãi chứa muối tại địa phương. Đồng thời, hướng người dân sản xuất muối theo loại hình HTX có liên kết từ đầu vào đến đầu ra, có cam kết giá của thương lái với diêm dân”, anh Toàn nêu quan điểm.
Còn với anh Lâm Văn Đen, ngụ xã Long Điền Đông, chia sẻ rằng: “Diêm dân tụi tôi chẳng biết gì ngoài làm muối, nghề muối đã bám rễ, ăn sâu vào tâm trí của chúng tôi từ bao giờ rồi. Có một nghịch lý rằng, xưa nay món hàng nào, sản phẩm nào cũng tăng giá theo thời gian như mì tôm, lúa gạo…chỉ có giá muối là vẫn vậy, vẫn hơn 1.000 đồng/kg suốt thời gian dài. Thử hỏi, như vậy làm sao diêm dân làm giàu được”, anh Đen trần tình.
“Nghề muối ở Bạc Liêu là nghề di sản, được bảo tồn nên chúng tôi rất cần nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa. Phải có chính sách rạch ròi về giá muối. Đây là mặt hàng thiết yếu nên rất cần ngành chức năng họp bàn, đưa muối vào danh mục có giá nhất định có sự kiểm soát của ngành chức năng hoặc tạo ra chuỗi liên kết. Có như vậy thì mới mong giá trị hạt muối được nâng cao, đời sống diêm dân bớt khổ cực”.
Được mệnh danh là “vua muối” ở Bạc Liêu, từ nghề muối, mỗi năm ông Phan Văn Phúc (71 tuổi) ngụ ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình đút túi hàng tỷ đồng từ bán muối. Chia sẻ bí quyết làm giàu của mình, ông Phúc chia sẻ: “Nhiều người thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp, còn riêng tôi nhiều năm nay tôi làm muối chỉ có thắng chứ không thua. Mỗi năm tôi đều lãi từ 1 – 2 tỷ đồng. Thông thường từ 3 – 4 vụ muối, giá sẽ tăng một lần. Nếu bà con diêm dân sau khi thu hoạch bán liền thì giá sẽ không cao, nhất là những năm trúng mùa, sản lượng lớn. Vì vậy, tôi đã chủ động xây nhiều kho để trữ muối, khi giá cả phù hợp mới xuất bán”
Ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoà Bình nói, toàn huyện hiện có 130ha đất sản xuất muối, theo Nghị quyết của Huyện uỷ phấn đấu đến năm 2030, địa phương sẽ mở rộng thêm khoảng 50ha lên tổng diện tích là 180ha. “Đời sống của diêm dân hiện nay làm chỉ đủ sống chứ không giàu, chỉ những người có diện tích canh tác lớn, có điều kiện trữ muối chờ tăng giá thì mới dư dả. Chính sách hỗ trợ diêm dân phát triển nghề muối từ trước đến nay vẫn chưa cụ thể.
Để giữ lại nghề muối truyền thống có hàng trăm năm nay ở huyện Hoà Bình nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung thì nhà nước cần có chính sách hỗ trợ diêm dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để bà con vay xây dựng kho bãi trữ muối, khi nào thị trường muối biến động, diêm dân cảm thấy có lãi thì họ bán. Nếu không xây dựng được kho bãi chứa, mà chỉ che đậy bằng cao su theo hình thức dã chiến thì sản phẩm muối sẽ bị hao hụt rất nhiều”.
Theo ông Xuyên, địa phương đang định hướng xây dựng sản phẩm muối OCOP đặc trưng của huyện Hoà Bình là muối hồng. Về lâu dài, để phát huy làng nghề sản xuất muối huyện Hoà Bình hướng tới phát triển du lịch kết hợp với làm muối; chế biến sản phẩm muối làm đẹp, muối sức khoẻ…
Đa dạng hình thức sản xuất
Trong quá trình sản xuất muối, nhiều diêm dân ở huyện Đông Hải đã tìm ra hướng đi mới nhằm nâng cao thu nhập bằng nhiều cách khác nhau. Trên cùng diện tích canh tác, bà con diêm dân có thể vừa sản xuất muối vừa kết hợp bán nước OT (nước trong ruộng khi sắp kết tinh thành muối) để phục vụ sản xuất giống nuôi trồng thuỷ sản hoặc nuôi sinh khối actimia lấy trứng (loại ấu trùng đẻ trứng phục vụ cho nghề sản xuất giống nuôi trồng thuỷ sản). Với cách làm này, nhiều diêm dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước OT, actimia hiện nay trên thị trường là không nhiều nên loại hình sản xuất này chưa phổ biến rộng rãi.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải chia sẻ: “Trong giai đoạn khó khăn, bà con diêm dân đã nghiên cứu, ngoài sản xuất muối thì họ còn làm nhiều việc khác để có thu nhập như bán nước OT hoặc nuôi sinh khối actimia lấy trứng để phục vụ cho nghề sản xuất giống nuôi trồng thuỷ sản”.
Ông Tuấn lý giải, trong bối cảnh sản xuất muối mà sản lượng đạt cao quá sẽ bị thương lái ép giá. Vậy nên, trên cùng diện tích đó, diêm dân họ đa dạng các loại hình sản xuất bằng cách điều chỉnh sản xuất. “Thay vì sản xuất 100% như trước thì bà con dành 10 – 20% diện tích để làm việc khác. Khi đó, sản lượng muối ở mức vừa phải, giá muối sẽ tự động được cân bằng, không mất giá. Nguồn cung ít là nguyên nhân để muối tăng giá, nhưng cái chính vẫn là phụ thuộc vào thương lái”, ông Tuấn cho hay.
Đồng thời, lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải còn cho biết thêm, với việc bán nước OT và nuôi sinh khối actimia trên diện tích canh tác nếu người dân kiểm soát được thì giá trị thu lợi sẽ cao hơn muối. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ nước OT, actimia phải cao nhưng hiện nay loại hình này chưa phát triển rộng, với những hộ nào có mối thu mua thì họ bán giá sẽ cao gấp đôi, gấp ba giá muối nhưng trường hợp này là không nhiều. “Nếu ai cũng sản xuất nước OT thì đầu ra sẽ không có, nên cần xác định nhu cầu tiêu dùng khi đó diêm dân đa dạng sản xuất thì lợi nhuận sẽ cao hơn”, lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, thấu hiểu nổi cơ cực của người làm muối và thẳng thắn nhìn nhận vấn đề về nghề làm muối ở địa phương, đồng thời nêu rõ nguyên nhân là do quá trình phát triển kinh tế địa phương chưa chú trọng quan tâm đến vấn đề muối, chỉ quan tâm đến lúa, gạo, tôm và các lĩnh vực khác. Từ đó, đời sống nhân dân còn khá khó khăn.
Năm 2020, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề muối là nghề văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xây dựng đề án nhằm phát huy tiềm năng nghề muối Bạc Liêu.
Theo ông Thiều, muối Bạc Liêu có từ thời Pháp, và nổi tiếng là muối hồng Bạc Liêu. Người Pháp vào Việt Nam thì họ thấy Bạc Liêu thì hoang sơ, có bờ biển, chuyển giao công nghề từ Pháp cho họ qua họ làm muối. Trước đây nhân dân họ chưa làm muối, từ khi Pháp họ xây dựng đồn điền ven biển, cánh đồng muối thì mới làm rồi đem đi bán, đi tiêu thụ nên muối Bạc Liêu đã nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Muối được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Trung Đông và được đánh giá là muối ngon.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng nghề muối rất cơ cực, diêm dân làm cháy da lưng nhưng bán muối đen chỉ 900 đồng/kg, muối trải bạt cũng chỉ cao nhất 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, có đối tác từ Singapore qua đây xúc tiến họ có gửi cho tôi 100 gram muối làm đẹp là 1,8 triệu đồng khi đã qua giai đoạn đưa công nghệ và trí tuệ vào.
“Muốn tiêu thụ được nhiều thì muối phải làm ra đa dạng sản phẩm, chúng ta cần chế biến được nhiều sản phẩm từ hạt muối như: Muối trị bệnh, muối làm đẹp và sản phẩm muối cao cấp khác…. Hy vọng sắp tới có nhà máy chế biến sản phẩm như vậy từ muối ở Bạc Liêu rồi từ đó bán ra thế giới thì mong rằng giá muối sẽ tăng lên”, ông Thiều đánh giá và nhận định rằng, nếu không phát huy giá trị, không bảo tồn nghề muối thì 5-10 năm nữa Bạc Liêu không còn nghề muối.
Nguồn: nongnghiep.vn