Cùng nông dân nâng giá trị cây lúa
Ông Phạm Xuân Tuyên, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Quảng Trị là một trong những người đầu tiên đưa các giống lúa mới của Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) vào thử nghiệm tại địa phương.
Theo ông Tuyên, sản xuất nông nghiệp tại Quảng Trị lâu nay vẫn thuần túy sử dụng các giống lúa cũ đã có dấu hiệu thoái hóa. Nhiều giống lúa mới đã được đưa vào thử nghiệm nhưng chưa tạo được dấu ấn đậm nét.
6 vụ gần đây, Trung tâm Giống nông nghiệp Quảng Trị mạnh dạn thử nghiệm các giống lúa của ThaiBinh Seed như TBR97, TBR225. Bộ giống lúa của ThaiBinh Seed đã thích ứng một cách khó tin ở một trong những địa phương có khí hậu khắc nghiệt nhất miền Trung.
Với nông dân Quảng Trị, sự dè dặt khi tiếp nhận một giống lúa mới là điều được dự báo. Phải sau rất nhiều lần tham quan các mô hình, đến vụ đông xuân 2022 – 2023, xã viên Hợp tác xã (HTX) Hà Thượng (xã Gio Châu, huyện Gio Linh) mới gieo sạ thử nghiệm 1ha giống lúa TBR225.
Theo lý giải của nông dân Gio Châu, vùng đất khắc nghiệt Quảng Trị gần như chỉ thích hợp với những giống lúa truyền thống đã có mặt ở đây từ hàng chục năm nay. Nhưng đến cuối tháng 4/2023, khi TBR225 đạt năng suất 7,5 tấn/ha, nông dân Gio Châu mới “ngã ngửa”.
“Giống lúa này rất dễ canh tác, ít sâu bệnh, năng suất cao, cơm ngon. TBR225 cần được đưa vào cơ cấu bộ giống để nông dân có thêm sự lựa chọn và nhân ra diện rộng”, ông Lê Quốc Luật, xã viên HTX Hà Thượng tỏ ra nóng ruột.
Còn ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gio Linh cho rằng, với những gì đã thể hiện, TBR225 là giống lúa rất đáng được chờ đợi. “Thời gian sinh trưởng vụ đông xuân 120 – 125 ngày và vụ hè thu dưới 95 ngày thì hoàn toàn có thể cơ cấu đưa vào bộ giống của địa phương. TBR225 đã chứng minh những ưu điểm vượt trội so với những giống lúa cùng cánh đồng cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tôi tin tưởng TBR225 sẽ được nhân rộng trên các cánh đồng của huyện Gio Linh trong thời gian sớm nhất”, ông Thức nói.
Bên cạnh TBR225, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến TBR97 – giống lúa được nông dân Quảng Trị hết lời ngợi ca về năng suất, chất lượng. Với thời gian sinh trưởng trong vụ hè thu chưa đến 90 ngày, TBR97 đã giúp nông dân Quảng Trị 6 vụ liên tiếp né được lũ.
Ông Võ Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương (huyện Hải Lăng) đánh giá, TBR97 chống chịu tốt với sâu bệnh, năng suất đạt 68 – 70 tạ/ha, cao hơn so với các giống lúa khác như Khang dân, An Sinh 1399 trong khi chi phí đầu tư thấp hơn.
“Những cánh đồng trũng rất cần giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn để né lũ trong vụ hè thu. Nếu được thêm các tiêu chí về năng suất, chất lượng như TBR97 thì càng tốt “, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Xuân Tuyên, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Quảng Trị, kết quả trồng thử nghiệm trong 6 vụ gần đây cho thấy TBR97 thích ứng tốt với nhiều chân ruộng tại Quảng Trị. Đây là lợi thế giúp TBR97 có thể dần thay thế các giống lúa đã thoái hóa, nhiễm sâu bệnh.
Ông Lê Phước Trí, Giám đốc HTX Sa Trung, xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Linh) còn mong các giống lúa của ThaiBinh Seed được đưa vào các mô hình sản xuất lúa hữu cơ trong thời gian tới. “Trong điều kiện khắc nghiệt, TBR97 đã thích ứng rất tốt với các chân ruộng tại địa phương với năng suất và chất lượng vượt trội so với nhiều giống lúa khác. Trong kế hoạch phát triển HTX, thời gian tới chúng tôi sẽ đưa TBR97 vào sản xuất lúa hữu cơ, chế biến để cung cấp ra thị trường”, ông Trí khẳng định.
Mong muốn Quảng Trị trở thành vùng nguyên liệu của ThaiBinh Seed
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho biết, các giống lúa của ThaiBinh Seed đã được đưa vào Quảng Trị từ năm 2018 và đều cho năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Tuy nhiên, Quảng Trị là vùng sinh thái khắc nghiệt, ngoài năng suất và chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn là một điểm cộng.
“Bà con Quảng Trị rất khắt khe khi lựa chọn giống. Ngoài các yếu tố như năng suất, chất lượng cao thì yếu tố cứng cây, ngắn ngày, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp sẽ là lực hấp dẫn đối với nông dân Quảng Trị. Với việc TBR225 được quy tụ thành công gen Xa7 cải tiến tính kháng bệnh bạc lá thì tương lai giống lúa này sẽ đứng vững trên các cánh đồng của Quảng Trị”, ông Tâm cho hay.
Còn ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gio Linh cho biết, những năm gần đây, bộ giống của ThaiBinh Seed khá phổ biến. Lãnh đạo huyện Gio Linh đã tham quan hệ thống chọn tạo, lai tạo, khảo nghiệm, trình diễn của ThaiBinh Seed và đặt rất nhiều niềm tin.
“Giống tốt là yếu tố rất quan trọng trong việc chống chịu sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng. Gio Linh có diện tích lúa khá lớn với 9 nghìn ha/năm. ThaiBinh Seed có bộ giống tốt, nhất định mối quan hệ giữa một trong những tập đoàn giống hàng đầu Việt Nam với nông dân Gio Linh sẽ ngày càng khăng khít”, ông Thức khẳng định.
Cũng theo ông Tuyên, giữa ThaiBinh Seed và Trung tâm Giống nông nghiệp Quảng Trị vừa có thỏa thuận hợp tác. Theo đó, Trung tâm sẽ là đơn vị phân phối độc quyền các giống lúa của ThaiBinh Seed. Sự kiện này không chỉ khẳng định cam kết đưa đến cho nông dân Quảng Trị 2 giống lùa TBR225, TBR97 mà còn mở ra cơ hội hợp tác lâu dài với những giống cây trồng chất lượng cao của ThaiBinh Seed.
“Chúng tôi đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị và triển khai cung ứng giống vụ đông xuân 2024 – 2025. Đây là cơ sở vững chắc để nông dân Quảng Trị không mua phải giống trôi nổi trên mạng xã hội như thời gian qua”, ông Tuyên chia sẻ.
Ông Phạm Văn Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, nếu điều kiện cho phép, năm 2025 ThaiBinh Seed sẽ mở văn phòng đại diện tại tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, ThaiBinh Seed đang liên kết với các đơn vị để thu mua lúa cho nông dân Quảng Trị có sử dụng giống của Tập đoàn.
“Khi chúng tôi xây dựng xong nhà máy chế biến gạo thì Quảng Trị cũng sẽ là vùng nguyên liệu của nhà máy. Hiện nay, lúa do nông dân Quảng Trị sản xuất cũng được thu mua theo giá thị trường. Năm nay chúng tôi chưa tăng giá giống tại Quảng Trị. ThaiBinh Seed sẽ cùng nông dân từng bước nâng cao giá trị cây lúa”, ông Phạm Văn Hoàn cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn