Liên tục tăng trưởng
Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Bình Định (Agribank Bình Định) là đơn vị tiên phong và dẫn đầu toàn ngành về việc giảm lãi suất cho vay để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong 5 năm gần đây, mức tăng trưởng liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Ví như năm 2020, tổng dư nợ của Agribank Bình Định là 11,194 tỷ đồng; trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn là 8,427 tỷ đồng, chiếm đến 75% trong tổng dư nợ; cho vay cá nhân là 7,575 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp là 1,849 tỷ đồng; cho vay HTX là 2,883 tỷ đồng.
Bước sang năm 2021, tổng dư nợ của Agribank Bình Định tăng lên 12,357 tỷ đồng; trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn là 10,111 tỷ đồng, chiếm 82%; cho vay cá nhân là 7,781 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp là 2,328 tỷ đồng; cho vay HTX là 1,8 tỷ đồng. Năm 2022, tổng dư nợ của Agribank Bình Định tăng lên 13,724 tỷ đồng; trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn cũng tăng lên 10,873 tỷ đồng; cho vay cá nhân là 8,683 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp là 2,188 tỷ đồng, cho vay HTX là 1,4 tỷ đồng. Năm 2023, tổng dư nợ của Agribank Bình Định tiếp tục tăng lên 15,045 tỷ đồng; trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn là 11,371 tỷ đồng; cho vay cá nhân là 9,297 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp là 2,075 tỷ đồng; cho vay HTX là 0,04tỷ đồng.
Năm 2024, mới 10 tháng đầu năm mà tổng dư nợ của Agribank Bình Định đã đạt 14,968 tỷ đồng; trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 11,140 tỷ đồng; cho vay cá nhân là 9,839 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp là 1,301 tỷ đồng, cho vay HTX là 0,04 tỷ đồng; với mức tăng trưởng này, tổng dư nợ của Agribank Bình Định trong năm 2024 ắt sẽ cao hơn năm 2023.
Làm giàu từ nguồn vốn Agribank
Nhờ nguồn vốn ban đầu vay từ Agribank huyện Phù Cát (Bình Định) mà ông Nguyễn Ngọc Châu (68 tuổi) ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát) hiện đã trở thành “tỷ phú nuôi tôm” của tỉnh Bình Định. Theo ông Châu, ông trở thành khách hàng thân thiết của Agribank Phù Cát cách đây đã hơn 20 năm. Ban đầu, ông vay vốn của Agribank Phù Cát để hành nghề đóng tàu cá vỏ gỗ. Từ năm 1997 trở về sau, Bình Định phát triển mạnh nghề khai thác thủy sản xa bờ, nên cơ sở đóng tàu của ông ngày càng “ăn nên làm ra”. Sau này ông còn kinh doanh thêm xăng dầu cung ứng cho tàu cá địa phương. Hơn 10 năm nay, ông thành công lớn trong nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc.
“Nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc đầu tư ao hồ rất lớn, nhờ nguồn vốn của Agriabank gia đình tôi mới đeo đuổi được nghề nuôi tôm đến tận bây giờ”, ông Châu chia sẻ.
Hoặc như anh Trần Bảo Diệp, chủ nhà vườn La’sfarm ở xã Ân Phong (huyện Hoài Ân). Năm 2012, đang có việc làm ổn định ở TP.HCM với chuyên ngành thiết kế đồ họa bỗng dưng anh Diệp về quê để làm nông nghiệp công nghệ cao. Ban đầu, do làm trái ngành trái nghề nên anh Diệp đã “5 lần 7 lượt” thất bại. “Thua keo này” anh Diệp liền “bày keo khác”.
Sự kiên trì của anh Diệp đã được đền đáp khi công cuộc làm ăn của anh ngày càng phát triển. Hiện anh đang sở hữu 3 khu nhà màng trồng dưa lưới cùng các sản phẩm khác như dưa leo baby, dưa hấu treo giàn, cà chua socola và rau các loại. “Tính kiên trì tôi có, nhưng đồng vốn mới quyết định chuyện làm ăn. Nhờ nguồn vốn vay của Agribank huyện Hoài Ân nên tôi mới có tiền gầy dựng lại nhà màng bị cơn bão năm 2016 quật ngã để tiếp tục đeo đuổi đam mê làm nông nghiệp công nghệ cao đến ngày nay”, anh Diệp khẳng định.
“Không chỉ sát cánh với tam nông, bên cạnh đó, Agribank Bình Định còn quan tâm đến các khách hàng vay vốn để phát triển các ngành nghề khác như xây dựng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ…”, ông Nguyễn Hữu Câu, Giám đốc Agribank Bình Định chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn