Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, Agribank triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản hướng dẫn Chương trình cho vay, Agribank cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ để triển khai cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Với vai trò là ngân hàng chủ lực triển khai cho vay các đối tượng thuộc Đề án trong giai đoạn thí điểm từ nay đến hết năm 2025 và tiếp tục triển khai chương trình đến hết năm 2030, Agribank không giới hạn quy mô tín dụng và thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo để phục vụ Đề án. Bằng nguồn lực tự có của ngân hàng, Agribank sẽ hỗ trợ giảm lãi suất đối với khách hàng tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng theo từng đối tượng khách hàng.
Chương trình dành cho khách hàng cá nhân, hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo; tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong danh sách tham gia liên kết lúa gạo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố trên cơ sở tổng hợp của Ủy ban nhân dân 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thuộc địa bàn của Đề án: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Trong thời gian qua, Agribank đã khảo sát thực tế việc tổ chức thực hiện liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Việc triển khai liên kết các khâu trong ngành lúa gạo, đặc biệt trong Đề án 1 triệu héc-ta lúa, sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, từ hộ nông dân, nhà cung cấp đến doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu… giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng, qua đó tăng sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Agribank cam kết sẽ tập trung tối đa nguồn lực ưu tiên triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi, cùng ngành Ngân hàng góp phần thực hiện thành công, hiệu quả chuỗi liên kết lúa gạo và Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp theo chủ trương của Chính phủ, mang lại giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên thế giới.
Thông tin chương trình cho vay:
– Quy mô triển khai: không giới hạn quy mô triển khai.
– Thời gian triển khai: từ nay đến hết 31/12/2030 (triển khai thí điểm đến hết 31/12/2025).
– Lãi suất ưu đãi: thấp hơn tối thiểu 1,0%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng theo từng đối tượng khách hàng.
– Đối tượng hưởng ưu đãi: cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, doanh nghiệp tham gia Đề án 1 triệu héc ta lúa.
Nguồn: nongnghiep.vn