Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tính đến cuối tháng 11/2024, toàn tỉnh có trên 1.700 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện di dời, hoặc ngưng chăn nuôi. Đặc biệt, tại một số địa phương có số lượng đàn heo lớn như huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc… đến nay đã triển khai tốt việc di dời các cơ sở, trang trại chăn nuôi, cũng như xử lý triệt để những vi phạm về vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho biết, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, ngành chăn nuôi heo tỉnh Đồng Nai đang tập trung đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào quy trình chăn nuôi theo hướng hiện đại hóa. Đây xem như “cuộc cách mạng” giữ môi trường chăn nuôi bền vững.
Theo ông Công, thời gian gần đây Đồng Nai đã đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra về môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; đồng thời bắt buộc phải di dời các sơ sở, trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, cũng như không phù hợp với quy hoạch.
Thống Nhất là huyện có nhiều cơ sở chăn nuôi heo nhất trong tỉnh Đồng Nai, với khoảng trên dưới 500 ngàn con. Trong những năm gần đây việc đầu tư chăn nuôi heo theo hướng bền vững trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến đáng kể, nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khiến cơ sở hạ tầng cũng được phát triển đồng bộ. Từ đó, số lượng đàn heo và các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm nhiều, các trang trại cũng đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Thanh Bình, chủ trại heo có quy mô nuôi 900 con ở ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất chia sẻ: “Trại heo của chúng tôi hiện đang nuôi gia công cho công ty, để bảo đảm môi trường chăn nuôi đúng quy định, chúng tôi phải tạm ngưng hoạt động một thời gian để đầu tư nâng cấp, xây dựng các hầm biogar theo tiêu chuẩn do phòng Tài nguyên môi trường huyện hướng dẫn. Đồng thời, ứng dụng công nghệ vào quy trình chăn nuôi cũng như đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường”.
Theo ông Bình, bình quân cứ khoảng 5 đến 6 tháng trại sẽ xuất một lứa heo cho công ty. Đợt này trại đang tiến hành xây dựng thêm hệ thống hầm Biogar mới đạt chuẩn để chuẩn bị kịp tái đàn.
Tương tự, cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Hưng (xã Lộ 25, huyện Thống Nhất) đã nuôi heo được gần chục năm, thời điểm trước do quy định về bảo vệ môi trường đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không quá khắt khe nên ông chỉ đầu tư hệ thống xử lý chất thải mang tính tạm thời.
Tuy nhiên, đến nay trước những yêu cầu chặt chẽ của chính quyền địa phương bắt buộc phải thực hiện đúng quy định nên ông đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải khá bài bản nên mùi hôi phát sinh từ chuồng trại giảm hẳn. Toàn bộ nước thải qua xử lý ông sử dụng tưới cho cây trồng rất tiện lợi và hiệu quả.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết: Trên địa bàn xã có gần 50 trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty. Thời gian qua, chính quyền xã, huyện luôn tích cực tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm vấn đề môi trường trong chăn nuôi, đồng thời thành lập tổ công tác liên ngành để tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở, trang trại chăn nuôi gia công thực hiện tốt quy định về vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.
Nhờ đó, đến nay thực trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều hộ sau khi khắc phục tốt các vấn đề xử lý môi trường đã được chính quyền xã, huyện xuống thẩm định và xác nhận đủ điều kiện và cho phép tiếp tục tái đàn vật nuôi.
“Thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp giảm phát thải trong chăn nuôi, đồng thời buộc phải ngưng chăn nuôi theo lộ trình đối với những trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, ngành chăn nuôi Đồng Nai cũng đã đưa ra các giải pháp chăn nuôi an toàn, trong đó trọng tâm vào hướng chăn nuôi bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn