Cái chết trắng bủa vây xóm làng
Chủ tịch UBND xã Xuân Tín (Thọ Xuân, Thanh Hóa) Nguyễn Văn Đàn ban đầu không muốn nhắc lại quá khứ, đặc biệt lại là chuyện đã xảy ra cách đây hơn 20 năm về trước.
Ông Đàn ậm ừ hồi lâu rồi tặc lưỡi: “Dù quá khứ không mấy hay ho nhưng đó là bài học để thế hệ sau biết mà tránh xa ma túy, tệ nạn xã hội. Chuyện này có ghi chép trong cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Tín nên chẳng có gì phải giấu”.
Hồi đó, ông Đàn làm Bí thư Chi bộ thôn nên nắm khá rõ tình hình an ninh trật tự địa bàn. Vị Chủ tịch UBND xã kể: Đầu những năm 2000, tại xã Xuân Tín xuất hiện từng nhóm người buôn bán các mặt hàng giả như: Cao hổ cốt, nhung hươu, sừng tê giác và tiến hành lừa đảo nhiều người dưới chiêu thức tiếp thị sản phẩm. Số lượng làm nghề này có lúc lên tới cả trăm người. Do họ không buôn bán các mặt hàng này tại địa phương nên rất khó nắm bắt và xử lý theo quy định.
Tuy vậy, hằng năm, địa phương vẫn tiếp nhận và xử lý hàng chục lệnh truy nã từ công an các tỉnh đối với những hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động nói trên. Cao điểm nhất là năm 2001-2002, xã có tới 48 lệnh truy nã là người Xuân Tín phạm tội lừa đảo. Nhiều người sau đó đã sa lưới pháp luật và bị tòa án các tỉnh xử án tù. Đặc biệt có người đã phải thụ án đến 16 năm tù.
Theo cán bộ Đàn: “Do kiếm được tiền từ việc lừa đảo, số người này sa vào ăn chơi, đua đòi, nghiện hút ma túy. Có thời điểm xã có tới hàng trăm người nghiện. Do thiếu hiểu biết về HIV/AIDS nên nhiều người dùng chung kim tiêm, dẫn đến lây nhiễm căn bệnh thế kỷ cho nhau”.
Đỉnh điểm, cách đây khoảng 20 năm về trước trong xã có đến 110 người bị lây nhiễm HIV/AIDS và số con bệnh tăng lên theo năm tháng. Đến năm 2006, xã có hơn 70 con bệnh đã tử vong do căn bệnh thế kỷ. Riêng trong 2 năm (2004-2005) mỗi năm xã Xuân Tín có đến 24 người chết do HIV/AIDS.
Dù mắc bệnh ở đâu thì họ cũng về quê để trị bệnh. Cứ mỗi tháng, bà con lại phải tiễn đưa một vài thanh niên làng ra nghĩa trang án táng. Mọi thứ thời điểm đó bị xáo trộn do cái chết trắng gây ra. Kẻ buôn bán ma túy có lúc gần như công khai và hoành hành từng ngõ ngách, thôn xóm. Cái tên Xuân Tín khi ấy “bất đắc dĩ” nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.
Chợ vắng khách, đám tang vắng người
Cán bộ Đàn thú thực, “cơn bão” ma túy và HIV/AIDS tại xã Xuân Tín âm ỉ tàn phá làng, xóm trong nhiều năm. Cảnh con nghiện xuất hiện ở đầu làng, cuối xóm để xin tiền, trấn lột người qua đường, lấy tiền mua ma túy diễn ra như… cơm bữa. Nhiều gia đình trong thôn quê phải đóng cửa khi trời chập choạng tối, đề phòng con nghiện trộm cắp vặt.
“Cảnh hút, chích khiến nhiều gia đình trong xã khuynh gia bại sản. Nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán, nợ nần chồng chất, nhiều thanh niên cũng lần lượt ra đi, để lại sau lưng là những phận người mẹ góa, con côi. Vì vậy kinh tế địa phương cũng chẳng khá nổi. Có năm toàn xã có đến 40% hộ nghèo, cũng chỉ vì ma túy gây ra”, cán bộ Đàn chia sẻ.
Cái tên “Xuân Tín” khi ấy bị người dân vùng lân cận xa lánh thậm chí cô lập một thời gian khá dài: “Có những khu chợ vắng hoe khách vì người ta sợ đến mua hàng đụng phải người nghiện hoặc người nhiễm HIV/AIDS. Có đám ma người nhiễm HIV/AIDS vắng hoe người vì hàng xóm láng giềng sợ lây bệnh nên không dám đến chia buồn. Có thời điểm người ta kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS đến mức, đem họ đi chôn cất ở một khu đất riêng cạnh nghĩa trang. Các mộ phần được xây mộ cố định, không bốc hài cốt vì sợ lây nhiễm bệnh.
Giữa lúc “cơn bão” ma túy và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS hoành hành, chính quyền địa phương xác định, đây là “trận đánh lớn” không được phép thua và dồn toàn lực để khống chế và bài trừ tệ nạn xã hội trên địa bàn xã. Để ngăn chặn “cái chết trắng” hoành hành, bên cạnh việc trấn áp các ổ nhóm tội phạm ma túy, tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân đã hỗ trợ xã Xuân Tín thực hiện phòng chống HIV/AIDS thông qua chương trình toàn cầu về phòng chống HIV/AIDS; chương trình can thiệp giảm thiểu lâu nhiễm; chương trình tuyên truyền chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS…
“Cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn làm việc không có ngày nghỉ để tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội. Ban chuyên trách đã vận động nhân dân không kỳ thị, xa lánh người nghiện hút và nhiễm HIV, giúp họ cai nghiện và chữa bệnh tại quê nhà. Đồng thời với sự giúp đỡ, hỗ trợ của cấp trên, người nhiễm HIV/AIDS được cấp thuốc miễn phí để ngăn chặn sự phát triển của virus; phụ nữ bị nhiễm bệnh từ chồng được tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định”, ông Đàn cho biết.
Đặc biệt, mô hình “Câu lạc bộ vì ngày mai tươi sáng” triển khai tại địa phương đã giúp những người sau khi cai nghiện xóa bỏ mặc cảm, có cơ hội tìm được việc làm phù hợp để trở thành công dân có ích… Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp phòng chống ma túy, sau vài năm số lượng người chết vì HIV/AIDS ở địa phương cơ bản chấm dứt. Những người nghiện ma túy còn lại được đi điều trị Methadone nên đã cai nghiện thành công. Toàn xã không phát sinh người nghiện ma túy mới.
Sau hơn 20 năm, “cơn bão” ma túy và “cái chết trắng” tại xã Xuân Tín cũng chấm dứt, thay vào đó là sự đổi thay da đổi thịt ở nơi từng là điểm nóng về tệ nạn xã hội. Cuối năm 2016, xã Xuân Tín đã hoàn thành 19 tiêu chí và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn xã Xuân Tín hiện nay có hơn 9.000 người, thì có 5.000 người đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, có thu nhập ổn định. Ước tính thu nhập bình quân đầu người tại địa phương năm 2024 đạt hơn 71 triệu đồng/người/năm.
Giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng
Để góp phần làm giảm các bệnh lây qua đường máu và một số bệnh liên quan trong người nghiện các chất dạng thuốc phiện và từ nhóm nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng, tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện chương trình Methadone trên địa bàn; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện cho các đối tượng tại các cơ sở điều trị của nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong 6 tháng năm 2024, các cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, chữa trị cai nghiện mới cho 139 người, tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho 287 đối tượng hết thời hạn cai nghiện trở về cộng đồng, tăng hơn 31% so với cùng kỳ.
Nguồn: nongnghiep.vn