Niềm đam mê với nông sản sạch
Theo bước chân của bà Lê Thị Thà (Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi đến với cánh đồng rộng hơn chục ha trồng đủ mọi loại rau, củ, quả.
Vừa rảo bước, bà Thà vừa hồ hởi chia sẻ: “Tháng 2/2010, tôi quyết tâm từ bỏ công việc hiện tại, dồn toàn bộ công sức, vốn liếng vào đầu tư mô hình trồng nông sản sạch, lập nên HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là con người muốn khỏe mạnh thì phải cần nguồn thực phẩm sạch mà khi đó trên thị trường lại chưa có đơn vị nào sản xuất”.
Trước khi bắt tay vào làm nông sản sạch, bà Thà được mệnh danh là “Thà rô phi” bởi bà cũng là “tay” nuôi cá rô phi thương phẩm có tiếng trên địa bàn TP Đông Triều lúc bấy giờ. Bởi vậy khi nghe tin bà chuyển sang trồng rau, nhiều người không khỏi bất ngờ.
Sau hơn 3 năm hoạt động, HTX đã thuê lại gần 14ha đất của 165 hộ dân để đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP để sản xuất các loại rau, củ, quả. Quy trình sản xuất chịu sự giám sát chặt chẽ, khoa học, đúng quy trình từ việc lựa chọn giống, chăm sóc, liều lượng sử dụng phân bón đến cách thu hoạch, bảo quản.
Mặc dù đã tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống, thế nhưng trong thời điểm ban đầu, bà Thà gặp không ít khó khăn. “Khi đó, rau sạch rất khó tiêu thụ, không tìm được đầu ra. Còn nếu thuê bà con nông dân bán thì cũng không lời lãi được là bao do người tiêu dùng chưa quan tâm về rau sạch”, bà Thà chia sẻ.
Không nhụt chí, bà Thà đến từng đơn vị để giới thiệu sản phẩm, đồng thời xây dựng điểm bày bán, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại chợ Cột (TP Đông Triều). Đặc biệt, đối với sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng, bà Thà đã nhiều lần đi lên Hà Nội từ 3 giờ sáng để nấu xôi, đứng trước cửa hàng, siêu thị để tặng miễn phí cho khách hàng, từ đó giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, HTX đã liên kết với gần 1.000 người nông dân, mở rộng quy mô sản xuất lên tới hàng trăm ha, trong đó có cả những diện tích trồng giống lúa nếp cái hoa vàng. Các sản phẩm được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ và được HTX giám sát nghiêm ngặt.
Với mô hình liên kết này, mỗi năm người nông dân được trả 1 tạ thóc/ sào, đồng thời có thể trở thành công nhân phụ trách trồng, chăm sóc nông sản với mức lương 7 triệu đồng/ tháng. “Tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu về quy trình sản xuất, nguồn giống, khoa học kỹ thuật và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tôi tin rằng khi kết hợp cùng với những người nông dân chăm chỉ, cần cù, nông sản địa phương sẽ được nâng tầm”, bà Thà chia sẻ.
Không chỉ tạo ra nguồn nông sản sạch và chất lượng, HTX đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, nhất là những phụ nữ ngoài độ tuổi lao động, hộ nghèo. Trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Lê Thị Tập (phường Tân Sơn, TP Đông Triều) cho biết: “Gia đình tôi tham gia vào HTX đến nay đã hơn chục năm, góp vào gần 5 sào đất. Bản thân tôi hiện cũng đang làm trong HTX và có nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng để chăm lo cho gia đình”.
Vì một xã hội khỏe mạnh
Đến thời điểm hiện tại, mỗi tháng HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong cung ứng ra thị trường hơn chục tấn nông sản các loại “mùa nào thức nấy” như bí xanh, khoai tây, cà chua, su su, rau cải, rau dền…Còn đối với sản phẩm nếp cái hoa vàng, ước tính mỗi năm sản lượng từ 500-600 tấn.
“Sau gần 15 năm, tôi đã thành công xây dựng chuỗi cung cấp rau và gạo, tất cả sản phẩm đều có chất lượng cao và trồng theo quy trình VietGAP. Riêng đối với gạo nếp cái hoa vàng, hiện nay sản phẩm đã có nhãn mác, bao bì và tem độc quyền, người dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc và tìm kiếm thông tin liên hệ”, bà Thà thông tin.
Đặc biệt, từ năm 2022, HTX đã liên kết với doanh nghiệp Hàn Quốc để xây dựng hệ thống nhà lưới trồng rau hữu cơ. Chính vì vậy, nhiều sản phẩm rau của HTX đã được phân phối, tiêu thụ sang thị trường Hàn Quốc và nhận được sự đón nhận, đánh giá cao.
Trong thời gian tới, bà Lê Thị Thà mong muốn có thể mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ máy móc để chế biến sâu các loại nông sản để đáp ứng yêu cẩu trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia.
“Tôi hy vọng những hoạt động của mình sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập để giúp bà con nông dân ổn định cuộc sống. Tiếp đó mang đến cho cộng đồng thực phẩm sạch, vì một xã hội khỏe mạnh hơn. Và cuối cùng chính là việc xây dựng thương hiệu, quảng bá và nâng tầm nông sản quê hương đến với bạn bè quốc tế”, bà Thà bày tỏ.
HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong là đơn vị có vùng trồng rau được cấp giấy chứng nhận VietGAP lớn nhất tỉnh. Đồng thời, đây cũng là HTX đầu tiên tham gia xây dựng sản phẩm OCOP với nhiều sản phẩm đạt 4, 5 sao. Đặc biệt, bà Lê Thị Thà (Giám đốc HTX) đã được trao tặng nhiều bằng khen, giải thưởng cao quý như: “Sao Thần nông”, “Nông dân Việt Nam xuất sắc”…
Nguồn: nongnghiep.vn