Họ đến một vùng trồng táo nổi tiếng, vào thăm một nông trại và được người chủ cho thưởng thức những trái táo tươi vừa hái trên cây. Họ bất ngờ vì trong đời chưa bao giờ được ăn quả táo ngọt, giòn như vậy. Vậy là, 3 người nông dân nghĩ ra ý định làm giàu.
Người thứ nhất nghĩ rằng, mùa tới sẽ sang mua táo nơi đây đem về bán cho người dân vùng mình. Như vậy, trước giúp bà con được thưởng thưởng thức quả táo ngon, sau đó cũng kiếm được chút đỉnh tiền. Nghĩ là làm, người thứ nhất ngỏ ý sẽ đến mua táo của chủ vườn vụ mùa sau và người chủ vườn đồng ý.
Người thứ hai cho rằng, mua bán kiểu đó, nếu vụ sau những chủ vườn ở đây vì lý do nào đó không chịu bán táo cho mình thì lấy đâu mua về để bán. Chi bằng mình mua cây giống về trồng thì sẽ chủ động có táo bán cho bà con. Nghĩ là làm, người thứ hai đặt mua cây giống mang về trồng.
Người thứ ba lại có cách nghĩ khác và đề nghị xin mua phần đất mặt dưới gốc táo mang về. Người chủ vườn từ chối vì cho rằng mất lớp đất thì cây táo làm sao sống và sinh trưởng được. Không bỏ cuộc, người thứ ba ngồi xuống bốc một nắm đất và đề nghị chủ vườn bán cho mình một nắm đất ấy. Người chủ vườn ngạc nhiên về hành động có vẻ kỳ hoặc nhưng cũng đồng ý bán cho xong.
Cách nghĩ của 3 người nông dân khác nhau mang lại kết quả khác nhau.
Người thứ nhất mua táo được đôi ba chuyến về bán lại cũng kiếm được ít tiền. Nhưng sau một vài mùa vụ không mua được nữa vì các chủ vườn kêu giá quá cao, mua bán không kiếm được đồng lời, đành bỏ cuộc.
Người thứ hai đem cây táo giống về trồng được đôi ba năm, lúc đầu phát triển khá tốt, cho ra những quả táo nhưng không ngon bằng quả táo của người chủ vườn kia. Sản lượng cũng giảm dần, cuối cùng người thứ hai cũng bỏ cuộc.
Người thứ ba đem nắm đất về gửi cho các chuyên gia thổ nhưỡng nhờ phân tích thành phần trong đất. Khi có kết quả, người thứ ba bắt đầu cải tạo đất trong khu vườn của mình, bổ sung dinh dưỡng, tăng giảm các chỉ tiêu trong đất để có kết quả tương tự như nắm đất mang về. Kết quả là người thứ ba có một vườn táo sum suê, trĩu quả, chất lượng quả táo thơm ngon. Người thứ ba trở nên giàu có.
Câu chuyện này được chép lại, có chỉnh sửa đôi chút trong quyển sách nước ngoài: “Người nghèo nghèo cái túi. Người giàu giàu cái đầu”. Có câu tục ngữ nhắc khéo: “Cạn đìa mới biết lóc, trê. Còn ăn móng biết đâu rô, sặc”. Cái mình thấy trước mắt chưa chắc sau này sẽ như vậy.
Có một câu danh ngôn khá hay: “Sự kiên nhẫn rất cần thiết, bởi người ta không thể gặt hái ngay lúc gieo trồng”. Cách suy nghĩ ngắn sẽ cho ra kết quả tức thì nhưng thường không mang lại kết quả bền vững. Nhiều nông dân tự hào đem các giống mới về trồng, thấy cây ban đầu phát triển tốt, cũng ra hoa, kết trái, cũng thơm ngon, thì tự tin cho rằng mình có thể trồng được bất kỳ loại cây trái nơi khác trồng được. Nhưng hình như thực tế thì không phải như vậy.
Từ xưa đã có câu tục ngữ “đất nào cây ấy, mùa nào thức nấy” để nhắc nhở rằng, cây trồng, dù giống tốt đến đâu, cũng chỉ có thể phát triển tốt khi gặp đủ “thiên thời, địa lợi”, có tiểu khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp. Chính giới hạn về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đã dẫn tới việc giới hạn không gian sản xuất của một số loại nông sản, giống cây trồng nhất định. Cây đấy, cứ phải trồng trên đất đấy mới có được hoa thơm nhường đấy, quả ngọt nhường kia. Có những loại xoài địa phương vốn nổi tiếng về chất lượng, độ ngon ngọt nhưng mang về trồng ở vùng đất phèn sẽ cho năng suất rất thấp và chất lượng giảm đi rất nhiều.
Giống mới về, người nông dân vui mừng chờ đón những quả ngọt đầu tiên. Cây cối có vẻ phát triển khá tốt nhưng năng suất, chất lượng lại không được như mong đợi. Hình như giữa cây cối và con người cũng giống nhau, cũng cần được cung cấp dinh dưỡng, thừa một chút cũng không xong, thiếu một chút cũng không được. Như vậy, đây không chỉ là lựa chọn cây trồng, giống tốt đơn thuần mà chính là một quá trình hòa hợp với thiên nhiên, học cách “làm bạn” với đất để có được thành quả xứng đáng.
Bước đầu tiên trong hành trình “làm bạn” chính là phải tìm hiểu về nhau. Hiểu biết tính chất đất nơi mình đang canh tác, hiểu biết tính chất đất của nơi mà cây trồng dự tính mang về có hội đủ điều kiện tiên quyết để quyết định có trồng được loại cây đó hay không. Người nông dân cần được hỗ trợ bởi các chuyên gia trồng trọt, mà gần nhất là những cán bộ khuyến nông cơ sở, cán bộ nông nghiệp địa phương để có đầy đủ các thông tin này.
Cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất cần được xây dựng và dễ dàng cho bà con truy cập, tham khảo. Chương trình tập huấn, tư vấn về canh tác, về chất lượng đất rất cần thiết, giúp trang bị cho người nông dân những kiến thức thiết về việc cải tạo, duy trì độ phì nhiêu cho đất, tạo môi trường sinh trưởng, phát triển phù hợp cho cây trồng. Những mô hình sử dụng các thiết bị từ đơn giản đến hiện đại để đánh giá chất lượng đất trước và trong quá trình gieo trồng cần được giới thiệu đến người nông dân để giúp tăng khả năng thích nghi của cây trồng mới và tối ưu hóa điều kiện phát triển cho cây trồng.
Khi người nông dân đem giống mới về trồng, đó không chỉ là hy vọng của bà con mà còn là niềm tin vào sự đồng hành của ngành trồng trọt sẽ tạo ra sự trù phú trên mảnh đất của mình. Chính vì vậy, các nhà khoa học thổ nhưỡng, các cán bộ kỹ thuật ở địa phương, thay vì chỉ đóng vai quản lý, cấp phép, hãy là những “bác sĩ đất” hỗ trợ, tư vấn cho người dân về các giải pháp cải tạo, bồi dưỡng đất cho phù hợp với từng loại cây trồng. Đừng để người nông dân lầm lũi trên mảnh vườn, đồng ruộng, cần cù trồng cấy rồi trông chờ vào vận may, đến khi gặp rủi ro thì lắc đầu ngao ngán, thốt lên hai tiếng “Phải chi!”.
Hạnh phúc chính là luôn thấy niềm vui trên khuôn mặt của những người nông dân, khi mảnh đất bà con gắn bó, yêu thương nở rộ thành những khu vườn, đồng ruộng trù phú, tốt tươi. Hạnh phúc của mỗi người là đem lại hạnh phúc cho người khác, cho bà con nông dân. Đơn giản vậy thôi!
Nguồn: nongnghiep.vn