Hội nghị do Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức thực hiện với sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Phương – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, đại diện phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, các HTX, chủ vườn và doanh nghiệp.
Bưởi là một trong bốn cây ăn quả chủ lực của Thủ đô. Theo bà Hoàng Thị Hòa – Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, chỉ trong thời gian ngắn từ năm 2020 tới nay diện tích bưởi của thành phố đã đạt 7.840ha, tăng hơn so với năm 2020 (diện tích 6.868ha) là 23,2%; năng suất đạt 170 tạ/ha, tăng 12,9% (năm 2020 là 150 tạ/ha); sản lượng đạt 114.998 tấn, tăng 19,2% (năm 2020 là 92.950 tấn); giá trị sản xuất năm đạt 2.299 tỷ đồng, tăng 402 tỷ đồng so với năm 2020 (đạt 1.897 tỷ đồng).
Thành phố hiện có 114 vùng sản xuất bưởi tập trung, các huyện có diện tích bưởi lớn như Phúc Thọ (1.077ha), Chương Mỹ (910ha), Ba Vì (712ha), Đan Phượng (557ha), Quốc Oai (440ha).
Có khoảng 10 giống bưởi như bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi đường Cát Quế, bưởi Thồ, bưởi chua đầu tôm, bưởi đường La Tinh… Trong đó bưởi Diễn chiếm 86,6%, tiếp đến là bưởi Tam Vân chiếm khoảng 4% và giống bưởi đỏ Tân Lạc chiếm khoảng 2,3%, các giống khác bao gồm bưởi chua, bưởi đường Cát Quế, bưởi Hoàng, bưởi Thồ…chiếm khoảng 7,1% diện tích.
Nhờ vậy mà Hà Nội có thể rải vụ trà sớm cuối tháng 8 – 9 gồm các giống bưởi Thồ, bưởi Cát Quế và các giống bưởi chua; trà trung tháng 10 – 11 gồm các giống bưởi Tam Vân, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường Quế Dương, bưởi đường La Tinh, bưởi tháng 10, bưởi Hoàng; trà muộn tháng 12 – 1 năm sau gồm các giống bưởi Diễn, bưởi đỏ bánh men. Thành phố cũng đã xây dựng được 12 nhãn hiệu, 1 chỉ dẫn địa lý, đứng đầu so với các tỉnh, thành trong vùng.
Đi theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, từ năm 2021 – 2024, Trung tâm đã tổ chức hỗ trợ thâm canh bưởi hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP tại các huyện Chương Mỹ; Hoài Đức; Quốc Oai; Phúc Thọ, Thanh Oai, Đan Phượng…
Đến nay đã cấp 18 giấy chứng nhận; cấp 22 giấy chứng nhận VietGAP, cấp 2 giấy chứng nhận GlobalGAP. Từ kết quả mô hình sản xuất, thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP tại các huyện đã nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến nhận thức rõ rệt của các hộ sử dụng phân bón có nguồn gốc thực vật như: đậu tương, ngô thay cho phân hóa học (đặc biệt giảm đến 95% phân đạm); sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học, bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái.
Đến nay diện tích sản xuất bưởi an toàn, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ của Hà Nội chiếm khoảng 30%, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Điển hình như trước khi làm hữu cơ quả bưởi của xã Yên Sở huyện Hoài Đức chỉ bán được 25.000 đồng nhưng nay đã bán được 40.000 đồng mà không có để cung cấp. Thành phố cũng đã hình thành và phát triển được 7 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả như: chuỗi sản xuất và kinh doanh bưởi an toàn Quế Dương tại Cát Quế, huyện Hoài Đức; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi Diễn của HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi Diễn của HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Sở, huyện Hoài Đức; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ xã Tráng Việt, huyện Mê Linh; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng; chuỗi sản suất và tiêu thụ bưởi sạch huyện Sóc Sơn.
Thời gian tới Hà Nội định hướng giữ ổn định diện tích bưởi xung quanh 7.800ha để nâng cao chất lượng và đa dạng cơ cấu giống bưởi để rải vụ thu hoạch. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và áp dụng các kỹ thuật mới, giải quyết các vướng mắc trong sản xuất, tiến đến hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho từng giống bưởi; mở rộng diện VietGAP, sản xuất hữu cơ; minh bạch, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong điều kiện biến đổi khí hậu, chú trọng khâu bảo quản bưởi. Liên kết với các doanh nghiệp, kết hợp giữa sản xuất gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm…
Nguồn: nongnghiep.vn