Thị trấn Thanh Bình (huyện Bù Đốp, Bình Phước) từ lâu được biết đến là một trong những địa phương có cây trồng chủ lực là hồ tiêu. Sau thời kỳ cây hồ tiêu suy thoái, một trong những mô hình kinh tế hiệu quả nhất trên địa bàn thị trấn hiện nay có thể kể đến là trồng rau ăn lá theo mô hình nhà lưới.
Về thị trấn Thanh Bình hôm nay, chúng tôi cảm nhận được không khí nhẹ nhàng, thoải mái của một vùng quê yên bình. Khép mình phía sau những căn nhà mái Thái khang trang là những vườn rau xanh mướt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp chúng tôi tại vườn rau ăn lá rộng hơn 4.000m² của gia đình, ông Đặng Văn Bảy ở ấp Thanh Tâm cho biết, hiện vườn rau của gia đình ông được trồng trong nhà lưới với đa dạng chủng loại như cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, rau dền, xà lách…
Kể về cơ duyên đến với nghề trồng rau trong nhà lưới, ông Bảy cho biết ngày trước gia đình ông chủ yếu sống dựa vào cây hồ tiêu. Kể từ năm 2010, khi được tham quan một số mô hình trồng rau, ông đã quyết định chuyển hướng qua nghề này. Sau khi tham gia các khóa đào tạo về kỹ thuật tạo nhà lưới, trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại rau ăn lá, năm 2014, gia đình ông chính thức đầu tư xây dựng nhà lưới đầu tiên để trồng rau.
Theo ông Bảy, trung bình trong 3 năm qua, gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng mỗi năm từ việc bán rau, trừ hết chi phí, lợi nhuận ước đạt khoảng 150 – 180 triệu đồng. Đây là con số đáng mơ ước của nhiều hộ nông dân nơi đây.
“Nhà lưới ngăn không cho côn trùng vào trong đẻ trứng, nhờ vậy hạn chế thấp nhất sâu bệnh phá hoại rau màu nên có thể canh tác quanh năm. Đặc biệt, rau trồng trong nhà lưới đều là rau an toàn, mẫu mã đẹp hơn hẳn, ít công chăm sóc, năng suất cao hơn rau trồng ngoài mô hình”, ông Bảy chia sẻ.
Chia tay vườn rau của ông Bảy, chúng tôi đến thăm vườn rau rộng hơn 3.500m² của bà Phạm Thị Loan cách đó không xa. Tiếp chúng tôi, bà Loan cho biết, trước đây gia đình chủ yếu sử dụng phân vô cơ và dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong trồng rau. Sau khi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chọn thực hiện mô hình trồng rau an toàn, nhận thấy mô hình này giúp nâng cao sức khỏe người trồng và người tiêu dùng, năng suất rau vẫn đảm bảo, từ đó bà gắn bó với mô hình.
Cũng theo bà Loan, để sản xuất rau theo hướng hữu cơ, khâu xử lý đất là rất quan trọng. Đất phải được làm kỹ, xử lý vôi, phân bón là các loại phân bò, phân gà đã được ủ hoai mục kết hợp với xử lý nấm vi sinh Trichoderma, kết hợp tưới thúc bổ sung dinh dưỡng cho rau. Trong quá trình trồng, nếu xuất hiện sâu bệnh, phải vệ sinh sạch sẽ vườn rau, thu gom những cây, lá hư vào một nơi để tiêu hủy; luân canh các loại rau khác nhau để giảm nguy cơ sâu bệnh cho vụ sau.
“Khi mới chuyển qua sản xuất rau an toàn, năng suất giảm hơn so với sản xuất có sử dụng phân, thuốc hóa học, rau cũng xấu hơn. Tuy nhiên, đất trồng rau nhanh chóng được khôi phục, màu mỡ hơn. Đến nay, rau sinh trưởng rất tốt, năng suất đảm bảo, chi phí cho vụ rau cũng giảm nhiều. Giá bán các loại rau luôn ở mức cao và ổn định, thị trường tiêu thụ cũng ổn định, cung không đủ cầu”, bà Loan phấn khởi.
Theo Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp), tiêu chuẩn quan trọng đầu tiên để trồng rau an toàn là các yếu tố đất, nước phải đảm bảo không có kim loại nặng và các chất độc hại. Bên cạnh đó, điểm mấu chốt là nông hộ không được phép dùng bất kỳ hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học mà hoàn toàn 100% bằng phân hữu cơ đã được xử lý, ủ hoai mục. Việc phòng trừ sâu bệnh cũng phải hoàn toàn bằng sản phẩm được bào chế từ nguyên liệu tự nhiên.
“Việc trồng rau theo hướng hữu cơ không phải quá khó. Quan trọng nhất là người trồng phải có tâm, kiên trì và nghiêm túc. Đặc biệt, do quy trình trồng, chăm sóc khắt khe nên cây rau có chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Chúng tôi đang nhân rộng mô hình này để thời gian tới sẽ có nhiều hộ chuyển sang trồng rau theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng” – Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn