Chọn lọc, chuyển giao 4 bộ giống lúa chất lượng
Hợp tác xã nông nghiệp thống nhất Xuân Lam (HTX Xuân Lam), huyện Nghi Xuân là một trong những HTX kiểu mới hiếm hoi đang hoạt động rất hiệu quả tại tỉnh Hà Tĩnh hiện nay.
Hơn 6 thập kỷ trước HTX này ra đời, song trải qua nhiều chặng chuyển đổi, vật lộn khó khăn, có những thời điểm HTX càng làm càng lỗ, tâm lý xã viên “nay làm mai nghỉ” nên vai trò của HTX trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đến đầu đến đũa.
Năm 2020, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh, HTX đầu tư đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng hạ tầng trụ sở làm việc 2 tầng khang trang, đồng thời tái cấu trúc toàn diện bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu. Trong đó, chú trọng lựa chọn người đứng đầu đảm bảo yếu tố “có tâm, có tầm”.
Người được “chọn mặt gửi vàng” là ông Bùi Văn Chiến đã cùng với 4 thành viên khác trong ban lãnh đạo chèo lái HTX có hơn 690 thành viên chuyển đổi từ kiểu cũ sang vận hành theo Luật HTX mới.
Sau khi kiện toàn, HTX phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tập trung thực hiện “cuộc cách mạng” tích tụ ruộng đất, phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn; tranh thủ nguồn hỗ trợ xi măng trong xây dựng nông thôn mới để kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Đặc biệt, kết nối, hợp tác với một số công ty phân bón tại Ninh Bình, Cà Mau; giống cây trồng như: Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, Công ty CP giống cây trồng và Thương mại Hà Tĩnh… đưa giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Kết quả, từ 2016 đến nay, HTX đã khảo nghiệm được 10 bộ giống lúa, đưa vào địa bàn sản xuất diện rộng 4 giống: Nếp 98, BT09, HG12 và Hương Bình trên diện tích hơn 210 ha. Hàng năm cung ứng trên 20 tấn giống các loại; 300 tấn phân bón và thuốc BVTV.
“Vụ Hè thu năm 2024 chúng tôi thí điểm xây dựng mô hình sản xuất lúa ST25 kết hợp nuôi rươi trên ruộng trũng. Kết quả thu hoạch ngoài mong đợi. Sản lượng lúa đạt 48 tạ/ha, rươi sinh trưởng, phát triển tốt, ước doanh thu đạt 78 triệu đồng/ha, cao gần gấp đôi so với trước đây chỉ độc canh cây lúa”, ông Bùi Văn Chiến phấn khởi thông tin.
Đồng thời cho biết, năm 2025 và các năm tiếp theo, HTX sẽ vận động nhân dân chuyển đổi sang sản xuất lúa – rươi hữu cơ ở vùng quy hoạch 10 ha thuộc thôn 1, 2, xã Xuân Lam, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con.
Liên kết cộng sinh
Với những thành tựu đạt được, HTX nông nghiệp thống nhất Xuân Lam vinh dự là 1 trong 2 HTX của tỉnh Hà Tĩnh vừa được Liên minh HTX Việt Nam vinh danh giải thưởng “Ngôi sao HTX năm 2024”.
Câu chuyện liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã có từ nhiều năm, song việc đảm bảo hài hòa lợi ích, gắn với trách nhiệm trong mối liên kết đó thường “đứt gánh giữa đường”. Có lúc doanh nghiệp bội tín, khi giá thị trường cao hơn người dân lại không bán cho doanh nghiệp nữa. Tuy nhiên, ở Xuân Lam, đến thời điểm này chưa ghi nhận tình trạng phá vỡ hợp đồng.
Giám đốc HTX Xuân Lam Bùi Văn Chiến dẫn ví dụ, trong vụ xuân năm 2024, HTX liên kết Công ty lương thực Hà Tĩnh bao tiêu cho người dân gần 500 tấn lúa Nếp 98; Công ty Hồng Quang bao tiêu hơn 200 tấn giống lúa các loại; giá bán giao động từ 5.500đ – 7.200đ/kg, tùy từng giống lúa, đem về lợi nhuận cao cho các thành viên HTX.
Chưa kể, việc thực hiện canh tác đồng bộ, đảm bảo nguồn nước tưới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời còn góp phần gia tăng năng suất lúa lên đạt 60 tạ/ha (vụ xuân), hè thu hơn 50 tạ/ha.
Một lãnh đạo huyện Nghi Xuân cho biết, hàng năm, HTX Xuân Lam xin chủ trương, phối hợp với Trung tâm ứng dụng chuyển giao HKHT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện và các doanh nghiệp phân bón, giống, thuốc BVTV tổ chức các hội thảo, chương trình tập huấn kỹ thuật trực tiếp với bà con. Việc kết nối này vừa hỗ trợ sản xuất hiệu quả vừa tạo dựng niềm tin, tháo gỡ các băn khoăn, thắc mắc của nông dân, từ đó đi đến các ký kết hợp tác đôi bên cùng có lợi, chặt chẽ, hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm vận hành HTX hiệu quả, ông Bùi Văn Chiến cho rằng, trước hết người đứng đầu phải năng động trong quá trình quản lý. Kịp thời vận dụng các chương trình, dự án hỗ trợ của cấp trên để củng cố hạ tầng sản xuất; không ngừng tìm kiếm, chuyển giao bộ giống chất lượng vào sản xuất. Đồng thời, tìm kiếm thị trường, làm cầu nối liên kết chặt chẽ nhà nước – nhà nông – nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.
Nguồn: nongnghiep.vn