Ông Khuất Trọng Kiên -Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội đánh giá chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) rất hữu ích trong việc phát triển kinh tế nông thôn nên địa phương đã tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất vừa và nhỏ với mục đích vừa phát huy giá trị truyền thống của các địa phương vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Những mục đích trên cũng là đích đến trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Vốn là đất có nhiều nghề, làng nghề, người dân cần cù, chịu khó và năng động nên các sản phẩm tham gia phân hạng OCOP của Hoài Đức đã thực sự phát huy được giá trị khi vừa khẳng định được chất lượng, vừa quảng bá được thương hiệu, giúp thay đổi tư duy sản xuất của các chủ thể tham gia đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm tốt.
Các chủ thể có thể là từ hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang tập trung, theo hướng an toàn, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Các chủ thể có thể là các HTX, doanh nghiệp chuyển từ tư duy làm ăn theo thời vụ sang chuyên nghiệp, lâu dài, không chỉ nâng cao chất lượng mà còn biết cách chăm sóc khách hàng.
Tại hội nghị mới đây, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố Hà Nội và huyện Hoài Đức đã chấm điểm, phân hạng 17 sản phẩm của 7 chủ thể đến từ các xã: Dương Liễu, Di Trạch, An Khánh, Song Phương, Đức Thượng, An Thượng.
Trong đó có 11 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm như: bún, miến, phở khô, đồ uống, bánh kẹo, trái cây; 3 sản phẩm thuộc nhóm may mặc và 03 sản phẩm dược. Đó đều là các sản phẩm được đề nghị đánh giá, phân hạng OCOP lần đầu, hiện đã khẳng định được vị trí, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài huyện.
Đáng chú ý, một số sản phẩm có chất lượng, mẫu mã được đánh giá hoàn toàn đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Các chủ thể có sản phẩm tham gia chấm điểm OCOP đều nhận thấy Chương trình OCOP giúp nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập nên hăng hái tham gia.
Kết quả đã có 12 sản phẩm đạt 3 sao và 05 sản phẩm tiềm năng 4 sao. Thông qua việc đánh giá, phân hạng này đã phát hiện và tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, mẫu mã đẹp, có tiềm năng phát triển sản xuất quy mô rộng khắp.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, ông Nguyễn Trung Thuận đến hết tháng 10/2024, địa phương đã có 131 sản phẩm được đánh giá phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, đạt 87% mục tiêu Chương trình. Dự kiến, đến hết năm 2024 toàn huyện có 161 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao 11 sản phẩm.
Với mục tiêu xây dựng ít nhất 01 trung tâm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch đến nay, huyện đã có 04 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và 01 Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm mỹ nghệ xã Sơn Đồng đã được Sở Công thương Hà Nội công nhận tại Quyết định 717/QĐ-SCT ngày 28/12/2023.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đồng bộ, có sự tham gia tích cực của các hộ sản xuất, các doanh nghiệp trong lập hồ sơ, đánh giá phân hạng sản phẩm; Các mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư và đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập/ha canh tác được các xã quan tâm, đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao, từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao đời sống nhân dân.
Nhờ nền tảng vững chắc của OCOP mà đã góp phần cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết tháng 11/2024, huyện Hoài Đức có 17/18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tốc độ hoàn thành được đánh giá là nhanh vì về trước 1 năm so với mục tiêu chương trình đề ra.
Dự kiến năm 2025, Hoài Đức có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đủ bảo đảm mục tiêu của chương trình đề ra là 10 xã. Huyện hoàn toàn đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Theo tính toán giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2024 ước đạt 1.327 tỷ đồng trong đó tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 75%. Huyện vinh dự có 4 sản phẩm gồm nhãn chín muộn Hoài Đức, phật thủ Đắc Sở, bưởi đường Quế Dương, rau an toàn Tiền Lệ được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng bảo hộ và cấp chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”.
Nguồn: nongnghiep.vn