Chặng đường đi qua miền trung du ngược lên miền núi. Những phố thị thưa và xa dần. Bao nhiêu là phố huyện giống nhau, những gương mặt vụt qua lần cửa kính, nhòe nhoẹt, không rõ. Tôi dừng chân ở một quán cà phê ở một địa danh mà mình hoàn toàn xa lạ: thị trấn Nông trường Trần Phú. Quán không một bóng người. Đậm chất một quán cà phê phố huyện với mành trúc, hoa giả và mấy thứ đồ uống nghèo nàn. Yên ả, thanh bình.
Chủ quán là một em trai, nhiệt tình chỉ đường, như đã quá quen với những vị khách kiểu này. Đường đến Mù Cang Chải không còn xa. Càng gần đến Tú Lệ, tôi càng thấy nhiều bóng dáng của người dân tộc Mông. Tôi nhớ lại những kiến thức linh tinh đọc được ở đâu đó, 90% dân số Mù Cang Chải là người dân tộc Mông với 4 nhóm người: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Đu (Mông Đen), Mông Lình (Mông Hoa), Mông Si (Mông Đỏ). Phân loại này là dựa vào trang phục họ mặc trên người. Họ thường sống trên những triền núi cao nhất.
Tôi xuống xe làm quen với vài em bé người Mông, vì còn quá nhỏ nên các em hầu như không nói được tiếng Việt. Chỉ có tiếng cười và ánh mắt nói thay nhiều điều. Tôi lắng nghe thật kỹ những tiếng Mông để tìm xem có phảng phất âm điệu tiếng Hán hay không mà các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc cứ khăng khăng xếp họ vào ngữ hệ Hán – Tạng, trong khi đã từ lâu, các nhà ngôn ngữ học phương Tây đã tách họ ra thành một ngữ hệ riêng: Ngữ hệ Mông – Miền hay còn gọi là ngữ hệ Miêu – Dao và được xem là nhóm ngôn ngữ đa thanh điệu nhất.
Lần nào lên vùng núi cao phía Bắc tôi cũng quan sát thật kỹ nét mặt người Mông. Về mặt nhân chủng học, họ không khác gì với những người Mông ở Lào, ở Thái Lan, ở Myanmar, ở Trung Quốc mà tôi đã từng tiếp xúc, tập tục dù có khác nhau đôi chút nhưng về cơ bản vẫn là văn hóa đặc sắc của một dân tộc ít người, sống chênh vênh trên những triền núi cao.
Độ cao cứ dần thay đổi, tôi đã thấy những thửa ruộng bậc thang hiện ra hai bên đường lúc 2 giờ chiều. Trời xanh ngắt, những thửa ruộng xanh và vàng đan xen vào nhau, như là những tấm thảm lộng lẫy được đất trời thêu hoa dệt gấm. Từ trên cao nhìn xuống khó có thể tin được đấy là kỳ công của bàn tay con người qua bao nhiêu năm tháng. Nắng vẫn vàng và trong suốt. Không khí mát lành phảng phất mùi hương lúa.
Ruộng bậc thang không chỉ riêng có ở miền núi phía Bắc và vùng đất Tây Nguyên Việt Nam. Một phương thức canh tác cổ xưa có thể thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhà nghiên cứu về nông nghiệp và khảo cổ cho rằng nó đặc biệt phổ biến ở vùng Đông Nam Á. Ở Philippines, ở Thái Lan, Indonesia đều có ruộng bậc thang. Thậm chí ruộng bậc thang Banaue của người Ifugao ở Philippines đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải thì được Việt Nam được công nhận là di tích cấp quốc gia. Ở Vân Nam (Trung Quốc), một nơi rất gần với Việt Nam cũng có ruộng bậc thang. Chủ nhân của chúng chủ yếu cũng là những người Mông. Xa hơn nữa, người da đỏ Inca ở Peru cũng canh tác ruộng bậc thang.
Có vô vàn điều để nói quanh những thửa ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang là một loại hình canh tác đặc biệt của nền văn minh lúa nước Đông Nam Á. Một nền văn minh nông nghiệp, trọng lúa gạo, trọng sự ấm no và chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh. Đồng bằng đã được mang lên miền núi có nghĩa là cơ cấu bữa ăn thay đổi, sinh hoạt thay đổi, xã hội cũng có sự thay đổi. Tôi lững thững đi bộ trên đường ngắm cảnh, thỉnh thoảng dừng chân chụp vài ảnh làm kỷ niệm. Có lần tôi nhận xét: Phương Nam nhiều nắng, phương Bắc nhiều gió. Vậy mà không ngờ có ngày tôi gặp được nắng ở chốn phương Bắc xa xôi này. Dưới chân tôi vẫn là những bức tranh với đủ sắc màu xanh điểm chút vàng. Màu sắc của những thửa ruộng bậc thang thay đổi theo ánh nắng. Từ trên cao, nhìn thấy rõ đường đi của những tia nắng trời. Ngẩng mặt lên, chỉ gặp một ít mây trắng lững lờ.
Tôi lẩm nhẩm trong đầu một câu thơ của nhà thơ Pháp Pierre Emmanuel: “Tại sao vĩnh cửu xanh màu lá cây?” Câu thơ luôn ở trong tâm trí tôi mỗi khi đối diện với thiên nhiên. Có lẽ cuộc đời trần thế của con người quá nhiều màu sắc vui buồn nên là hữu hạn, còn thiên nhiên chỉ giản dị một màu xanh lá cây nên là vô tận vô cùng. Tôi căng mắt nhìn để phân biệt các sắc độ màu xanh. Màu xanh lá ngả vàng là của các thửa ruộng đang chín tới. Màu xanh lá non là các ruộng lúa chưa đến thì. Xanh lá đậm đà hơn là những ruộng lúa lên đòng. Những bụi cây lô xô trên triền núi ngả màu xanh thẫm. Xanh thẫm hơn nữa là những ngọn núi ở xa mờ làm nền cho những thửa ruộng. Và bao trùm lên tất cả là một nền trời xanh thẳm lạ lùng. Màu xanh thẳm ấy, dường như vay mượn từ biển cả mang lên trời cao.
Màu vàng của nắng cùng sắc với màu lúa chín. Nắng đi lang thang trên các đỉnh đèo, lang thang trên những thửa ruộng bậc thang. Lúc ẩn lúc hiện, nhưng lúc nào cũng như thấy nắng ở bên cạnh, không chói chang, gay gắt, mà ngọt ngào, ấm áp. Nắng vùng cao khác với nắng đồng bằng, lại càng khác xa nắng nơi đô thị. Nắng vùng cao vàng trong suốt, lấp lánh trên từng phiến đá, bụi cây, thỏa sức khuếch tán, vẫy vùng giữa không gian bao la, phóng khoáng. Nắng đồng bằng hiền lành, vàng óng ả, trải rộng yên bình. Nắng đô thị oi ả, đặc quánh giữa những mảnh khối bê tông, đường nhựa. Màu xanh chỉ đơn thuần là sự sống. Nhưng cột điện và những mái nhà nhỏ xa xa tạo cảm tưởng rằng sự sống đang tiếp diễn trôi chảy. Những khung cảnh quen thuộc. Những dáng người lom khom trên ruộng lúa. Những chiếc khăn đội đầu đủ màu sắc. Những ánh mắt đau đáu lạ kỳ của các em nhỏ. Những chú heo mọi thả rông…
Một chiều nắng vàng tôi lang thang ngắm nhìn. Một chiều nắng vàng chưa đủ để tôi thấy hết khung cảnh nơi này. Nhưng đã đủ để tôi thấy gắn bó, thấy yêu. Hoàng hôn ở đây về chậm. Những thửa ruộng bậc thang trong cảnh chiều tà cứ sẫm màu dần. Chỉ còn lại vài tia nắng rớt rồi tắt dần. Thị trấn Mù Cang Chải trong đêm nghèo nàn, bé nhỏ. Không biết có quá ích kỷ không nhưng tôi chỉ mong nó mãi như thế này. Không đông vui thêm, không nhộn nhịp thêm, không sầm uất thêm. Sáng chủ nhật tôi lên đường quay về. Tôi về bằng một đường khác, qua Lai Châu, Lào Cai, đi con đường mà mọi người lũ lượt ngược lên Sa Pa. Có lúc nhìn cột mốc bên đường, thấy Sa Pa ở thật gần, cách vài chục cây số.
Con đường về tôi chưa đi bao giờ. Không rõ là sẽ đi qua những chốn nào. Chỉ thấy vui, thấy háo hức vì những cung đường lạ, những đèo dốc lạ. Buổi sáng có lúc trời mù mây, gió lạnh, có lúc lại nắng vàng rực rỡ, giống tính khí thất thường của vô vàn phụ nữ. Tôi nhớ Đèo Khau Phạ mù trắng xóa. Trong tiếng Thái Đen thì Khau Phạ có nghĩa có Sừng Trời, nôm na có thể gọi là đèo Cổng Trời. Có quá nhiều Cổng Trời ở vùng núi phía Bắc này. Những dãy núi cao vút dễ khiến người ta có cảm tưởng gần với trời xanh hơn bao giờ hết.
Tôi dừng chân ở Bảo Hà vào đền ông Hoàng Bảy. Ngôi đền nằm kề bên sông Hồng. Sông Hồng ở đoạn này không lớn, nước trôi bình lặng, êm đềm. Hai bên đền vô số những chú ngựa giấy đủ sắc màu. Ông Hoàng Bảy là một vị được đạo Mẫu tôn sùng, có công đánh giặc, bảo vệ dân. Ngôi đền tương truyền có từ thế kỷ XVII nay đã hóa… tân thời. Đạo Mẫu linh thiêng cũng đã nhuốm mùi trần tục ở chốn này. Tiếc cho một truyền thuyết đẹp về một vị anh hùng. Nhưng tôi cũng kịp quan sát cảnh hương khói nghi ngút, lễ bái tấp nập, làm gợi nhớ không khí ở Phủ Giày.
Xuôi thêm chút nữa đến Phố Ràng. Nhiều năm đã qua rồi kể từ trận Phố Ràng năm 1949 được nhà văn – chiến sĩ Trần Đăng viết thành trang ký. Không còn dấu vết chiến tranh trên ngọn đồi xanh, chỉ có những con phố hiền hòa, những nụ cười hiền hòa. Không còn tiếng súng, tiếng hét xung phong của những người lính. Cũng không còn tiếng nói, nụ cười của những cô dân công hỏa tuyến. Chỉ có sự yên bình đọng lại. Trận Phố Ràng chỉ với 2 ngày giao tranh ác liệt, đẫm máu đã đủ để cho Trần Đăng viết thành thiên ký sự nổi tiếng. Mấy tháng sau ngày viết tác phẩm này, ông đã nằm xuống, trở thành một trong những nhà văn – chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Chả rõ bây giờ đất Lào Cai có con đường nào mang tên ông hay không. Chẳng biết người thời nay có còn nhớ đến một thời chiến trận trên mảnh đất này? Tôi lang thang, la cà, nghỉ chân, và chỉ kịp đến bờ sông Thao vào buổi chiều muộn. Được ngắm cảnh sông lúc hoàng hôn, khi mặt trời dần lặn. Nhiều lần nghe bài hát “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận, nhưng bây giờ mới thấy cảnh “cuối sông nhiều bến”.
Tôi lại tiếp tục băng qua những vùng đất cổ từ trung du xuống đồng bằng. Càng ngày càng đến gần những phố thị sáng đèn rực rỡ. Đã thấy quầng sáng của Hà Nội hắt bóng phía xa xa. Tôi ngẩng đầu lên ngắm màn đêm và nhớ ánh nắng vàng. Mới gần mà đã xa núi rừng phía Bắc rồi. Thôi thì hẹn một năm sau nữa. Một mùa lúa nữa. Một chuyến đi nữa. Vì tôi đã thấy gắn bó, đã thấy lưu luyến, đã thấy nhớ chốn này.
Cũng như những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tôi đã đến Hà Giang nhiều lần và vẫn muốn quay trở lại, bởi vì tôi đã lỡ đem lòng yêu những cung đường thẳm xanh vách núi, những đèo dốc trập trùng quanh co, những núi đá tai mèo xám lạnh và những ruộng tam giác mạch ánh lên sắc màu trắng hồng tím đã khiến cho bao nhiêu người đổ xô đi tìm vào mỗi mùa hoa. Nếu muốn đến Hà Giang vào những ngày hoa tam giác mạch nở rộ nhất, thì cuối tháng 10 đầu tháng 11 dương lịch hàng năm là thời điểm lý tưởng nhất để ngắm hoa.
Ngày đầu tiên của chuyến đi bao giờ tôi cũng ghé lại thành phố Hà Giang, trên đường tôi thường dừng lại để ngắm và chụp ảnh dòng sông Lô, con sông đã đi vào văn học nghệ thuật với những hình ảnh đẹp đẽ “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu” (Trường ca sông Lô – Văn Cao). Sông Lô bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) vốn mang tên là Bàn Long Giang nhưng khi về đến Việt Nam, chỉ là một cái tên Lô Giang giản dị. Dòng sông Lô nổi tiếng vì những địa danh như xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Bến Bình Ca, ngã ba Bạch Hạc (còn gọi là ngã ba Việt Trì). Tôi đi dọc sông Lô, lòng thầm nghĩ, có phải cuộc đời con người bao giờ cũng gắn bó với một dòng sông, bởi vì như nhà triết học cổ đại Hy Lạp Heraclitus có nói: “Người ta không thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Chính sự trôi qua mau của dòng sông cũng như sự trôi qua của cuộc đời, chúng ta không thể níu lại những khoảnh khắc đã là quá khứ.
Khi đến thành phố Hà Giang bao giờ tôi cũng gặp gỡ một vài bạn bè trong ngành giáo dục, trong đó có một bạn vốn là hậu duệ trực hệ của vua Mèo Vương Chí Sình. Đó là một chàng trai trẻ, đẹp trai và làm giáo viên. Nghe em ấy kể về dòng họ của mình trong bối cảnh những bước thăng trầm của lịch sử Việt Nam trong 100 năm qua cũng là một điều thú vị. Câu chuyện về dòng họ Vương tôi đã đọc từ hồi nhỏ xíu, trong cuốn sách “Bên kia cổng trời” của Ngôn Vĩnh. Tuy nhiên đó là một tác phẩm hư cấu khá nhiều dựa trên một vài sự kiện lịch sử có thật. Nhiều lần đến dinh thự vua Mèo, tôi hay nhớ đến cuốn sách này.
Thành phố Hà Giang thu hút tôi bởi vì nhiều món ăn ngon, pha trộn văn hóa ẩm thực của nhiều dân tộc. Có một món ăn mà lần nào đến Hà Giang tôi cũng phải ghé vào quán quen, thưởng thức mùi vị béo, ngậy, bùi, thơm, cay, đắng của nó: Món cháo ấu tẩu nấu bằng củ ấu tẩu với gạo nếp và thịt băm hoặc chân giò heo. Trời mùa đông rét lạnh, ngồi ở quán cháo nhỏ, ấm cúng với những người bạn, chưa thưởng thức cháo ấu tẩu tôi đã cảm thấy ấm lòng.
Sau khi dừng chân ở thành phố Hà Giang một đêm, tôi lên đường đi tìm hoa tam giác mạch. Người ta thường nói ai hay say xe thì không nên đi Hà Giang bởi những đèo dốc cao chóng mặt, nhưng với riêng tôi, một người luôn mê rừng núi thì tôi lại luôn mong ngóng đến với Hà Giang. Qua những cung đường ngoằn ngoèo đèo dốc đến với hoa tam giác mạch, còn một nơi tôi nhất định phải ghé, đó là cổng trời Quản Bạ, nơi đẹp nhất để ngắm Núi Đôi của Hà Giang. Núi Đôi là hai ngọn núi đứng cạnh nhau, dáng tròn trịa, quyến rũ như bộ ngực căng tròn của một người phụ nữ đang ngủ say giữa núi rừng kỳ vĩ.
Người Mông kể rằng ngày xưa có một chàng trai người Mông tuấn tú thổi đàn môi rất hay. Tiếng đàn môi của chàng vang vọng đến tận trời và có một nàng tiên vì say mê tiếng đàn ấy đã xuống trần kết duyên vợ chồng cùng chàng trai. Họ có với nhau một bé trai kháu khỉnh. Nhưng rồi nàng tiên bị Ngọc Hoàng bắt về trời. Van xin Ngọc Hoàng cho ở lại không được, nàng tiên đã để lại cặp nhũ hoa của mình ở trần gian cho con bú sữa. Nhờ thế đứa bé lớn nhanh như thổi và cặp nhũ hoa của nàng tiên sau này biến thành Núi Đôi ở lại vĩnh viễn với trần gian như là một lời nhắc cho hậu thế về tình thương bao la của người mẹ.
Cũng bắt đầu từ Quản Bạ là những ruộng hoa tam giác mạc đã nối tiếp nhau. Thật ra khoảng hơn 10 năm về trước, ở Hà Giang tuy có khá nhiều trồng tam giác mạch nhưng ít ai chú ý đến những ruộng hoa nở rộ vào tháng 9, tháng 10. Tam giác mạch là một cây lương thực thuộc họ lúa, thường được người Mông dùng để ăn và truyền thuyết về tam giác mạch là một câu chuyện nên thơ. Chuyện kể rằng ngày xưa có nàng tiên Gạo và nàng tiên Ngô từ trên trời xuống hạ giới mang cho con người hạt lúa, hạt ngô để con người trồng trọt và dùng làm thực phẩm. Còn mày trấu, mày ngô chẳng để làm gì thì hai nàng tiên vứt vào khe núi. Người dân ở bản sau khi thu hoạch lúa, ngô thì ăn hết, cho nên vụ mùa năm sau chưa đến mà người dân đã lâm vào cảnh đói. Người dân đành chia nhau đi tìm khắp rừng núi xem có gì lót bụng cho đỡ đói lòng. Khi đến một khe núi thì họ phát hiện ra một rừng hoa có màu sắc trắng pha với màu hồng, màu tím, có những chiếc lá hình tam giác mọc ẩn dưới hoa. Khi hoa kết hạt, mọi người hái về nhà ăn thử và thấy ngon, từ đó họ gọi là cây tam giác mạch. Bếp của mọi nhà lại đỏ lửa, người Mông lại được no bụng.
Hoa tam giác mạch níu chân du khách bằng một vẻ đẹp lạ lùng, vẻ đẹp mong manh mà bền bỉ, mềm mại mà cứng rắn. Sắc màu của hoa cũng rất độc đáo, ở mỗi góc độ nhìn và tùy theo ánh sáng mà có khi bông hoa màu trắng tinh khiết ánh lên sắc hồng ngây thơ, cũng có khi lại ánh lên sắc tím lãng mạn. Có phải hoa tam giác mạch cũng như tâm hồn của những con người sống trên vùng núi cao, hồn hậu, chất phác, hiền lành, nhưng mạnh mẽ, can trường với sương gió. Hoa tam giác mạch khi vào mùa có thể thấy ở khắp nơi. Có khi hoa mọc bạt ngàn như một cánh đồng, nhìn từ xa giống như một tấm thảm hoa khoe sắc. Có khi hoa mọc dọc theo những triền núi chênh vênh, không ngại độ cao vẫn nghiêng mình theo từng cơn gió. Có khi chỉ là một vài ba cây mọc len vào khe đá, ngượng ngùng, e ấp. Có khi lai mọc trải dài theo ven đường như muốn níu du khách dừng chân lại ngắm nhìn.
Nếu chọn một loài hoa nào đặc trưng cho vùng núi Hà Giang, chắc chắn đó là hoa tam giác mạch, cũng như hoa ban ở Điện Biên, hoa mận ở Sơn La. Nhưng nếu đã ngắm nhiều hoa tam giác mạch, du khách có thể tìm đến những vườn hoa hồng ở Phó Bản, ngắm thêm các loại hoa hồng chen nhau khoe sắc đua hương.
Đã đến Hà Giang thì đừng chỉ dừng chân ngắm hoa tam giác mạch, du khách nên đến một chợ phiên để hòa mình với cuộc sống sôi động của các dân tộc vùng núi cao, cũng là dịp để nếm thử các sản phẩm từ tam giác mạch. Đó là món bánh tam giác mạch nhìn khá giống chiếc bánh dày của người Việt nhưng lớn hơn và có màu nâu, ăn vào có vị ngọt bùi và mùi thơm đặc biệt. Có thể ăn bánh hấp hoặc mang nướng lên. Đôi lần đến thăm những gia đình người Mông, tôi được nếm thử món cháo tam giác mạch và món canh rau từ lá non của tam giác mạch cũng như được nếm thử rượu nấu từ tam giác mạch.
Rượu tam giác mạch rất đặc biệt, không cay nồng như rượu gạo mà uống rất êm, nhưng không quá nhẹ như rượu cần. Chính vị ngọt êm dịu ấy lại khiến người ta dễ say ngây ngất. Ngồi bên đống lửa bập bùng, vừa uống rượu tam giác mạch, vừa nhấm nháp những hạt tam giác mạch được rang lên, thỉnh thoảng bẻ thêm một mẩu bánh, vậy là có thể ngồi thâu đêm suốt sáng chuyện trò trong men rượu, tiếng cười. Hà Giang, cứ thử đến một lần đi rồi sẽ yêu. Cứ thử đến một lần vào mùa hoa tam giác mạch, đến với những chợ phiên dập dìu người mua kẻ bán, đến với cao nguyên đá xám trắng tai mèo, du khách sẽ thấy mình còn muốn quay lại nhiều lần.
Tam giác mạch vẫn cứ nở hoa, năm này qua năm khác, đời này qua đời khác trên mảnh đất vùng núi non biên viễn, nhưng chợ tình Khau Vai ở Mèo Vạc thì mỗi năm chỉ mở phiên họp chợ một lần. Trong đời người có phải ai cũng có một chuyện tình kiểu Khau Vai? Đời người được bao nhiêu lần đi chợ tình Khau Vai, được bao nhiêu lần ngắm hoa tam giác mạch?
Và đời người có được bao nhiêu lần đến với những cảnh sắc núi rừng phía Bắc?
Nguồn: nongnghiep.vn