Trong sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng, việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp là hướng đi đúng đắn nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tránh hiện tượng được mùa mất giá nông sản.
Trong chuỗi liên kết này, nông dân được hỗ trợ áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn so với thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng phục vụ cho sản xuất và yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thời gian qua, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) liên kết với các Công ty CP Tập đoàn Thaibinh Seed (Tập đoàn Thaibinh Seed) đưa các giống lúa lai năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà với diện tích gần 300 ha/vụ. Theo hình thức này, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh thay mặt các hộ đứng ra ký kết với Tập đoàn Thaibinh Seed để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Đổi lại, Tập đoàn ThaiBinh Seed có trách nhiệm cung ứng giống chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua toàn bộ lúa thương phẩm sau khi thu hoạch.
“Ngay vụ đầu tiên triển khai mô hình liên kết hợp tác sản xuất giữa HTX với Tập đoàn Thai Binh Seed đã đem lại thắng lợi. Lúa giống được khử lẫn triệt để và được tập đoàn thu mua với giá 9 triệu đồng/tấn, trong khi thời điểm đó, giá thương lái thu mua chỉ khoảng 6 triệu đồng/tấn. Đặc biệt, vụ chiêm xuân 2018 toàn HTX thu hoạch được 1.000 tấn lúa. Người dân phấn khởi vì được mùa được giá, giúp cho mối liên kết trong sản xuất ngày càng bền chặt hơn. Đặc biệt, có vụ lúa không đạt chất lượng như kỳ vọng vì chịu ảnh hưởng của thiên tai, thế nhưng sau khi thu hoạch, sản phẩm vẫn được tập đoàn bao tiêu với giá cao để bà con yên tâm tái sản xuất vụ sau”, bà Lê Thị Hoa, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh chia sẻ.
Cũng theo bà Lê Thị Hoa, qua nhiều vụ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giống lúa lai TBR225 của Tập đoàn Thaibinh Seed đã chứng minh năng suất vượt trội so với các giống lúa thuần. Năng suất các loại giống lúa lai bình quân đạt từ 75 tạ đến 80 tạ/ha.
Bà Hoa đánh giá thêm: Việc liên kết với doanh nghiệp để sản xuất với hợp đồng bao tiêu từ trước cũng là cách giúp nông dân tránh được tình trạng được mùa mất giá: “Năm nào cũng vậy, sau khi lúa được thu hoạch, doanh nghiệp đưa xe tới tận ruộng để bốc hàng và thanh toán tiền tươi cho người dân. Gần chục năm liên kết với Tập đoàn Thaibinh Seed, lúa đều đạt năng suất vượt trội, giá thu mua thường cao hơn thị trường. Hiện nay mỗi năm HTX cung cấp cho Tập đoàn Thaibinh Seed hơn 1.000 tấn lúa các loại, nhờ vậy nông dân có thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống”, bà Hoa chia sẻ.
Nhờ liên kết sản xuất mà doanh thu của HTX những năm gần đây đạt từ 15 đến 18 tỷ đồng, với lợi nhuận khoảng 10%. HTX có 40 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/người/tháng.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh cũng cho rằng, việc liên kết với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm giúp HTX khắc phục, cải thiện các điểm yếu về công tác kế toán, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, tiêu thụ nông sản cho thành viên.
Mô hình liên kết đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc ổn định chất lượng thành phẩm, bảo vệ sức khỏe, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất bằng việc áp dụng hợp lý các quy trình canh tác tiên tiến và sử dụng thuốc kết hợp với các kỹ thuật, máy móc hiện đại. Bộ máy quản lý, điều hành của HTX về kế toán, nhân sự được củng cố và tăng cường sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi cho nông dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng chục mô hình hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân đang phát huy hiệu quả. Điển hình trong số đó là Công ty CP Thương mại Sao Khuê ở huyện Đông Sơn cũng liên kết sản xuất các loại lúa trên địa bàn nhiều huyện với tổng diện tích mỗi vụ gần 1.000 ha. Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (Hà Trung) cũng hợp tác canh tác 700 ha lúa ở nhiều huyện đồng bằng nhằm thu mua, chế biến gạo thương phẩm.
Theo Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa việc liên kết sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi phát huy vai trò của HTX, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Song song đó là hỗ trợ đầu vào cho thành viên, nông dân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân… Nhờ đó, cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng hướng, đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn: nongnghiep.vn