Thông tin được bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), chia sẻ tại Tọa đàm “FTA Index – Ý nghĩa và giá trị thay đổi toàn diện trong công tác thực thi FTA”.
Theo đó, Trường Đại học Ngoại thương là đơn vị được lựa chọn để thực hiện Bộ chỉ số FTA Index. Hiện đơn vị phối hợp chặt chẽ Bộ Công thương để khảo sát, đánh giá cụ thể các tỉnh, thành phố về việc thực thi FTA. Mục tiêu nhằm báo cáo lên Thủ tướng trong tháng 12/2024. Nếu được phê duyệt, bản báo cáo, xếp hạng về FTA Index của địa phương sẽ được công bố.
“Đây không phải một bài kiểm tra”, bà Phương nói và cho biết thêm, “chỉ số FTA Index sẽ giúp các cấp, các ngành và địa phương nhìn thẳng vào những điểm đã làm tốt, hoặc những vấn đề còn tồn tại, cần hoàn thiện hơn, nhất là ở phía các cơ quan quản lý địa phương”.
FTA Index sẽ đo lường 5 nhóm chỉ số gồm: Việc tuyên truyền, phổ biến thông tin của địa phương; Công tác tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật của doanh nghiệp; Khả năng tận dụng các FTA và công tác hỗ trợ của địa phương với doanh nghiệp; Hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững; Việc thực thi các kế hoạch hành động của Chính phủ.
Đặt nhiều kỳ vọng, nhưng đại diện Bộ Công thương coi FTA Index mới là “bước đầu tiên” trong quá trình thúc đẩy việc tận dụng các FTA thế hệ mới. Phó Trưởng phòng WTO và FTA hy vọng, địa phương sẽ nhìn nhận bộ chỉ số giống như một công cụ, giúp bản thân hoàn thiện hơn.
“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cam kết phối hợp địa phương để có những báo cáo phân tích chi tiết hơn nữa theo từng tỉnh, thành phố”, bà Phương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI), thừa nhận, chính sách pháp luật của Việt Nam có độ trễ nhất định trong việc tận dụng các FTA.
Lấy ví dụ các nước trong hệ thống luật Anh, Hoa Kỳ, sau khi ký FTA thì hiệp định tự động có hiệu lực, tức là các quốc gia này không phải làm gì thêm về nội luật hóa hay triển khai kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sau khi ký FTA cần có sự phê chuẩn của Quốc hội, Chính phủ để có những nghị định hướng dẫn thi hành.
“Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đều ý thức được, rằng việc thực hiện nội luật hóa những hiệp định thương mại quốc tế càng nhanh càng tốt. Có như vậy, sự hiệu quả mới nhanh chóng lan tỏa sâu rộng, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân”, ông Khôi nhận xét.
Căn cứ kinh nghiệm quốc tế, các nước đang sử dụng 2 công cụ để đo lường khả năng tận dụng FTA. Một là, xây dựng chỉ số tỷ lệ tận dụng các điều khoản ưu đãi (vốn thuần túy đánh giá về mặt thuế quan). Hai là, chỉ số tận dụng FTA của khối EU. Ngoài thuế quan, các nước châu Âu còn đánh giá cả những yếu tố về kỹ thuật, môi trường, vệ sinh dịch tễ mang tính định định lượng, định tính hơn.
Có mô hình gần với FTA Index mà Việt Nam đang xây dựng nhất là chỉ số của OECD (Hiệp hội tổ chức các nước kinh tế phát triển). Họ xây dựng chỉ số này từ năm 2011, là chỉ số về thuận lợi hóa thương mại, gồm 12 chỉ số khác nhau. Tuy nhiên, ông Khôi nhấn mạnh, là chỉ số này chỉ đánh giá ở tầm quốc gia, thay vì chi tiết đến từng địa phương.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công thương khi ban hành FTA Index nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra, đây không phải “liều thuốc vạn năng” để giải quyết tất cả vấn đề mà Việt Nam đang vấp phải.
“Không thể nhìn FTA Index một cách hời hợt. Đằng sau những con số là chỗ đứng, là những giải pháp cụ thể mà doanh nghiệp, chính quyền, các bên liên quan cần để hoàn thiện, tận dụng tốt hơn FTA cho cải cách, cho xuất khẩu, cũng như các hoạt động kinh tế”, ông bày tỏ.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, Viện trưởng Võ Trí Thành đề nghị địa phương tăng cường thêm về quản trị rủi ro. Ông nhìn nhận, rằng nếu có thể “lượng hóa” các yếu tố rủi ro, địa phương, doanh nghiệp có thể soi chiếu những khiếm khuyết trong chính sách, từ đó có phương án gia cố khả năng chống chịu trước những thay đổi của thị trường.
Nguồn: nongnghiep.vn